Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Chuyên đề thứ năm về Biển và Hải đảo Việt Nam!

Biển và hải đảo Việt Nam(Kỳ 5)
Phát triển kinh tế biển của Việt Nam: thực trạng và triển vọng


I. Hiện trạng phát triển kinh tế biển
Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, một biển lớn và thuộc loại quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như của thế giới. Từ bao đời nay, vùng biển, ven biển và hải đảo đã gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất và đời sống của dân tộc Việt Nam. Theo Tuyên bố ngày 12/7/1977 của Chính phủ Việt Nam và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì nước Việt Nam có một vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển và ven biển nước ta có vị trí hết sức quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng nên từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và hải đảo.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa, các lĩnh vực kinh tế biển cũng được tăng cường và đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. So với thời kỳ trước, kinh tế biển của Việt Nam trong giai đoạn đổi mới vừa qua đã có bước chuyển biến đáng kể. Cơ cấu ngành nghề đang có sự thay đổi lớn. Ngoài các ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Việc khai thác nguồn lợi biển đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu (dầu khí, hải sản...). Kinh tế biển đã được chú ý hơn và các công việc về biển đã làm được nhiều hơn (hoạch định biên giới trên biển, ban hành khung luật pháp, phát triển các hải đảo kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển).

Sự phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng là:

1. Đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản

Đây là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta, với vùng biển có nguồn sinh vật đa dạng, phong phú, trữ lượng hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta khoảng 3,5 - 4,1 triệu tấn, hàng năm có thể khai thác 1,5 - 1,67 triệu tấn, đồng thời có diện tích nuôi lớn, khoảng 76 vạn ha. Trong 10 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, sản lượng thuỷ sản tăng 7,7%/năm, sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm. Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao động dịch vụ nghề cá. Hệ thống hậu cần nghề cá đã có những chuyển đáng kể, đặc biệt là hệ thống các cảng cá được xây dựng suốt dọc bờ biển. Đã triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản như cấp giấy phép khai thác thuỷ sản; kiểm tra theo dõi giám sát các hoạt động nghề cá trên biển; kiểm tra giám sát an toàn cho người và phương tiện nghề cá trên biển.

Nghề nuôi trồng hải sản đã có bước phát triển khá, tăng nhanh cả diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng, ở cả 3 vùng nước lợ, mặn, ngọt (sản lượng nuôi trồng đã tăng 16%/năm). Nuôi trồng hải sản đã góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển; chất lượng và giá trị của sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu ngày càng cao, nhất là tôm, đảm bảo an ninh thực phẩm, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, tạo việc làm góp phần xoá đói giảm nghèo. Đến năm 2003, sản lượng nuôi trồng đạt 1,1 triệu tấn, gấp 1,9 lần so với năm 1998.

Công nghiệp chế biến hải sản, đặc biệt chế biến xuất khẩu đã làm tốt vai trò mở đường và cầu nối, tạo thị trường để nuôi trồng khai thác hải sản phát triển. Đến nay, đã có 390 nhà máy chế biến thuỷ hải sản, trong đó hàng trăm nhà máy được công nhận đạt tiêu chuẩn, và 60% cơ sở chế biến được công nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành. Năm 2003, xuất khẩu hải sản đạt trên 2 tỷ USD, gấp 3,9 lần năm 1998.

2. Kinh tế hàng hải

Việt Nam đã xây dựng được đội tàu biển quốc gia với tổng trọng tải là 2.322.703 DWT (gấp 2 lần số lượng tàu và 2,3 lần về trọng tải so với 1997, bình quân tăng 6,4% về số lượng và 11% về trọng tải/năm). Nòng cốt của đội tàu biển quốc gia là đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES), với số lượng đội tàu trọng tải khoảng 1.125.159 DWT, chiếm khoảng 50% tổng trọng tải của đội tàu quốc gia. Không chỉ tăng năng lực vận tải mà còn có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu, chất lượng đội tàu, tạo thêm thị trường và trực tiếp tham gia thị trường khu vực, khách hàng nước ngoài đã sử dụng trên 50% năng lực đội tàu của Việt Nam.

Qui mô cảng ngày càng tăng, cuối năm 1995 nước ta chỉ có hơn 70 cảng biển, thì đến nay Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cảng biển gồm hơn 90 cảng lớn nhỏ với 25.617 m cầu bến, trải dài từ Nam chí Bắc; ngoài ra còn có trên 10 khu chuyển tải để tăng cường khả năng thông qua của hàng hoá và tạo điều kiện cho những tàu có trọng tải lớn ra vào cảng dễ dàng, an toàn. Khối lượng hàng hoá qua cảng tăng nhanh, năm 1991 là 17,9 triệu tấn; năm 1995 tổng năng lực thông qua là 52,40 triệu tấn/năm; năm 1999 đạt 63 triệu tấn và đến hết năm 2002, tổng công suất qua cảng của Việt Nam hơn 100 triệu tấn/năm, tốc độ tăng bình quân 17%/năm. Bước đầu hiện đại hoá phương tiện xếp dỡ, qui hoạch và sắp xếp lại kho bãi, xây dựng và nâng cấp thêm các cầu cảng nên năng lực xếp dỡ được nâng cao, giải phóng tàu nhanh. Một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng như Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ. So sánh với quốc tế, nhìn chung quy mô cảng còn nhỏ nhưng thời gian qua hệ thống cảng biển Việt Nam đã đảm nhiệm thông qua hầu hết lượng hàng ngoại thương của ta và hỗ trợ một phần việc trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của Lào, góp phần đưa nước ta từng bước tiếp cận và hội nhập với khu vực và thế giới. Hơn 80% khối lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển thông qua hệ thống cảng biển.

3. Công nghiệp tàu biển

Trình độ, năng lực đóng, sửa chữa tàu so với trước đây đã có tiến bộ vượt bậc, hiện đại hoá một bước theo hướng tập trung quy mô lớn, bước đầu có phân công chuyên môn hoá, vươn ra đóng tàu cỡ lớn, chuyên dùng đạt chất lượng đăng kiểm quốc tế. Một số doanh nghiệp đang đầu tư lớn hiện đại để đóng tàu lớn (3 - 5 vạn tấn). Liên doanh Vinashin - Huyndai đã chính thức đi vào hoạt động được 2 ụ tàu có thể sữa chữa tàu từ 50.000 đến 400.000 tấn.

4. Nghề làm muối

Bờ biển dài 3.260 km, đã có 20 tỉnh thành có nghề sản xuất muối biển với tổng diện tích 15.000 ha và trên 80 ngàn lao động nghề muối. Đã sản xuất được bình quân 800 ngàn tấn đến 1,2 triệu tấn/năm. Một số đồng muối ở miền Trung nước ta được đánh giá là muối sạch, ngon của thế giới, có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn muối công nghiệp và muối sạch cho tiêu dùng.

5. Công nghiệp dầu khí

Ngành dầu khí là một trong những ngành chủ lực của kinh tế biển, có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Đã xác định tiềm năng và trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 3 - 4 tỷ m3 dầu quy đổi, trong đó 0,9 - 1,2 tỉ m3 dầu và 2100 - 2800 tỷ m3 khí. Năm 2003 đã thác 17,6 triệu tấn dầu thô và 2,17 tỷ m3 khí; xuất khẩu dầu thô đạt 17, 143 triệu tấn. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn với công suất tối đa 7 tỷ m3 khí/năm đã hoàn thành vào cuối năm 2002, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ. Trong giai đoạn 2003 - 2004 cung cấp 2,1 - 2,7 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện Phú Mỹ. Đang triển khai xây dựng đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh với công suất khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, hoàn thành vào năm 2004 nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ khí ở miền Đông Nam Bộ.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ dầu khí cũng từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành như: dịch vụ căn cứ, dịch vụ tàu thuyền, dịch vụ sửa chữa thiết bị dầu khí, dịch vụ dung dịch khoan, vật tư, hoá phẩm cho khoan, dịch vụ phân tích các loại mẫu, gia công chế tạo, lắp ráp các khối chân đế giàn khoan, xây lắp và bảo dưỡng các công trình biển, xây lắp các đường ống dẫn dầu khí; bảo hiểm dầu khí, cung cấp lao động và dịch vụ sinh hoạt đã được xây dựng.

6. Du lịch biển

Hàng năm, vùng biển thu hút 73% số lượt khách du lịch quốc tế, với tốc động tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/năm. Năm 1997, số lượt khách du lịch quốc tế đến vùng biển đạt 2,1 triệu người, năm 2000 đạt 3,29 triệu người, năm 2002 đã đón khoảng 5,3 triệu lượt người ; riêng năm 2003, do ảnh hưởng của dịch SARS, số khách đạt khoảng 4,7 triệu lượt, giảm so với năm 2002. Khách du lịch quốc tế đến các khu vực trọng điểm du lịch tăng nhanh, riêng khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng và Huế - Đà Nẵng tăng 41%/năm; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 22,6%.

Đối với khách du lịch nội địa, biển thu hút tới trên 50% số lượt, với tốc độ tăng trung bình thời kỳ 1994 - 2003 là 16%/năm. Năm 1997, toàn vùng đón được 5,7 triệu lượt khách, năm 2000 đón 7,46 triệu lượt, năm 2002 đạt 10, 8 triệu lượt và năm 2003 tới 12,4 triệu lượt khách.

II. Triển vọng phát triển kinh tế biển

Mặc dù kinh tế biển của nước ta đạt được những kết quả bước đầu không nhỏ, nhưng nhìn chung quy mô kinh tế biển của Việt Nam còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp. Nếu so với các nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam còn thấp thua nhiều mặt. Đến nay quy mô kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của nước ta. Xét về giá trị tuyệt đối, giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển của Việt Nam so với giá trị từ hoạt động kinh tế biển của một số nước đều ở mức thấp hoặc rất thấp. Cho đến nay, nghề biển Việt Nam vẫn chủ yếu là nghề truyền thống và ước tính chiếm khoảng trên 60% GDP do kinh tế biển tạo ra. Các nghề mới như khai thác dầu khí, nuôi trồng hải sản đặc sản, du lịch biển đang trong quá trình phát triển bước đầu. Các nghề biển hướng tới tương lai như năng lượng sóng thuỷ triều, dược liệu biển, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hoá chất và dược liệu biển... chưa được nghiên cứu nhiều. Kỹ thuật tổng thể khai thác kinh tế biển vẫn còn ở trình độ rất thấp. Ô nhiễm biển, đặc biệt các vùng biển tập trung tài nguyên, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, vận tải biển và công nghiệp ven bờ... đang gây ra nhiều vấn đề đối với phát triển bền vững. Dịch vụ xây dựng hạ tầng biển và các công trình kỹ thuật khác của biển còn nhiều yếu kém. Tình hình trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải có một chiến lược phát triển kinh tế biển có căn cứ khoa học vững chắc, đáp ứng những nhiệm vụ tăng tốc phát triển kinh tế trong thời kỳ mới hiện nay.

Việc tập trung vào phát triển kinh tế biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không chỉ bởi thế kỷ XXI mà chúng ta đang bước vào được coi là thế kỷ đại dương, các quốc gia có biển đều nhất loạt hướng về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình; mà trên thực tế, biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, trong đó nổi bật lên các lợi thế là:

1. Vị trí chiến lược của biển - nhân tố địa lợi đặc biệt của sự phát triển. Việt Nam nằm ở rìa biển Đông, án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhận Bản và các nước trong khu vực, Biển Đông đóng vai trò là chiếc "cầu nối" cực kỳ quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động và có một số trung tâm kinh tế của thế giới. Sự ra đời của một loạt các nước công nghiệp mới, có nền kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực, những năm gần đây đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, mà trước hết là thông qua vùng biển và ven biển.

2. Các nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó phải kể đến dầu khí, một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội nhất của vùng biển Việt Nam. Mặc dù so với nhiều nước, nguồn tài nguyên dầu khí chưa phải là thật lớn, song đối với nước ta nó có vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn khởi động nền kinh tế đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Dọc bờ biển đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Hòn La - Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải… Riêng khu vực từ Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có năng xây dựng cảng biển lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ.

Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển đã xác định khoảng 125 bãi biển lớn và nhỏ thuận lợi cho phát triển du lịch, có dung lượng chứa khách cùng một lúc đến vài trăm ngàn người, trong đó có khoảng 20 bãi biển đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. Các bãi biển của Việt Nam nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ…, rất thích hợp cho tắm biển và vui chơi giải trí trên biển. Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hoá - xã hội của biển, vùng ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo cho du lịch biển có lợi thế phát triển hơn hẳn so với nhiều loại hình du lịch khác trên đất liền.

Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 1.000 loài có giá trị kinh tế. Đến nay đã xác định 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Dọc ven biển có trên 37 vạn héc ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Riêng diện tích cho nuôi tôm nước lợ có tới 30 vạn ha. Ngoài ra còn hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Phá Tam Giang, Vịnh Văn Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Với tiềm năng trên trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện và hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn/ năm.

Các tài nguyên khoáng sản khác (ngoài dầu khí) ven biển cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển là than, sắt, titan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.

3. Nguồn nhân lực dồi dào ven biển là một nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển. Lao động trong độ tuổi có khỏang 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước.

Với tiềm năng sẵn có như trên, việc phát triển kinh tế biển nước ta cần tập trung vào:

- Huy động và phát huy tốt tất cả các nguồn lực để khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế nhiều mặt của biển, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về kinh tế biển, hướng mạnh về xuất khẩu, góp phần tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

- Tạo bước "nhảy vọt" trong phát triển kinh tế biển. Kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo theo một chương trình liên kết có hiệu quả và hiệu lực cao.

- Phát triển và hiện đại hoá có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp có tính tới hợp tác quốc tế và hội nhập.

- Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng và bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng biển, ven biển và các hải đảo.

Mục tiêu phát triển tổng quát của phát triển kinh tế biển là đảm bảo ổn định và an tòan lãnh hải quốc gia, xây dựng vùng ven biển thành vùng kinh tế phát triển năng động, thúc đẩy các vùng khác trong cả nước phát triển với tốc độ nhanh và tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài.



NHẬN THỨC VỀ GIÁ TRỊ KINH TẾ THỰC CỦA CÁC HỆ SINH THÁI BIỂN

Trong 30 năm gần đây, kể từ ngày thống nhất đất nước, các ngành kinh tế biển của Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu rất đáng khâm phục. Đặc biệt là kinh tế cảng biển - vận tải hàng hải, đóng tàu… đã mở ra những đột phá ngoạn mục như chuyển tải dầu ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa mới qua 2 năm đã thu cho ngân sách địa phương hơn 969 tỷ đồng, các doanh nghiệp thu lợi cũng không nhỏ. Du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang phát triển. Vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất trên hành tinh… Những tôn vinh quốc tế đã nâng tầm vóc của vùng biển, đất nước Việt Nam. Đó là tiền đề cho hợp tác, cho hội nhập trong quá trình khai thác và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Nhưng chưa có ai tính được để có vị trí và tầm vóc trên trường quốc tế, để thu được hàng chục tỷ đô la từ biển, môi trường đã phải trả giá như thế nào?

Chúng ta đang đứng trước một thực tế, tuy kinh tế biển có những thành tựu hết sức lớn lao, nhưng so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thì kết quả đó còn khá khiêm tốn so với tiềm năng vùng biển của Việt Nam. Chúng ta có vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, có đường bờ biển dài hơn 11.409 km, có hơn 3 triệu ha đất ngập nước… với các hệ sinh thái điển hình hết sức quý giá. Hệ sinh thái thềm lục địa rộng hơn 450 nghìn km2. Có hơn 180 cửa sông, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ ở ven bờ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đã từng có diện tích hơn 430 nghìn ha (năm 1943). Hệ sinh thái các rạn san hô với tổng diện tích ước tính khoảng 127 nghìn ha. Hệ sinh thái cỏ biển vào khoảng 8 nghìn ha… Đó là những nguồn lợi, tài nguyên vô cùng quý giá.

Một câu hỏi đặt ra: Có thể định giá các nguồn lợi, tài nguyên đó được không? Giá là bao nhiêu?

Đây là bài toán sinh thái kinh tế không đơn giản, nhưng có thể giải được. Tất nhiên là kết quả gần đúng và phải được các chuyên gia, các nhà kinh tế, các nhà quản lý cập nhật, bổ sung và phán quyết trong tình hình cụ thể của địa phương theo tiêu chí phát triển bền vững. Các nhà kinh tế cho rằng, giá trị cụ thể của lượng vật chất khai thác từ biển mà con người vẫn cân, đong, đo, đếm như xưa nay là quá ư nhỏ bé so với giá trị thực của nó. Giá trị chức năng sinh thái của các vùng biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập cho con người cao hơn hàng chục lần, nếu không nói đến hàng nghìn lần, so với những gì mà người dân ven biển đang nhặt nhạnh được hàng ngày như hiện nay.

Hiện nay, giá trị kinh tế của các hệ sinh thái được tính là tổng số của các nguồn lợi và tài nguyên không (hoặc chưa sử dụng) gồm: Đa dạng sinh học, du lịch, nghỉ ngơi, khoa học, giáo dục, chức năng sinh thái - bảo vệ và bảo tồn… Vậy 1 ha rừng ngập mặn có giá bao nhiêu? Cách đây hơn 50 năm, các chuyên gia xếp đất rừng ngập mặn thuộc dạng đất hoang và giá trị đất đai không đáng kể. Ngày nay, chỉ với giá trị mặt bằng đã được các chuyên gia định giá khoảng 160 - 530 USD/ha/năm. Các nguồn lợi sử dụng và nuôi hải sản, làm du lịch… đã tăng giá của rừng ngập mặn lên khoảng 95 - 98 nghìn USD/ha/năm. Còn giá trị chức năng sinh thái của hệ rừng ngập mặn có thể nói là vô giá.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học trong dự án “Đánh giá giá trị kinh tế - sinh thái của các rạn san hô Đông Nam Á” (Việt Nam, Philíppin, Inđônêxia); kết quả bước đầu, giá trị tính ra đô la Mỹ trên diện tích 1 km2 của hệ sinh thái san hô Hòn Mun tại vịnh Nha Trang (Lưu ý là chỉ tại Hòn Mun, nơi có hệ sinh thái có đa dạng sinh học san hô cao nhất Việt Nam hiện nay là 350 loài), giá trị do khai thác cá là 36,207 nghìn USD, giá trị do thu từ du lịch là 15 nghìn USD, còn giá trị chức năng sinh thái, bảo vệ bờ là 60,145 nghìn. Tổng cộng là 111,352 nghìn USD/km2. Đây là con số gây nhiều ấn tượng nhưng cũng chỉ bằng 37,9% so với tổng thu nhập từ hệ sinh thái rạn san hô ở Maricanban của Philíppin (đạt đến 293,796 nghìn USD). Đây là điều mà tất cả chúng ta phải suy nghĩ.

Điều quan trọng, phải nhận thức là các giá trị kinh tế của các hệ sinh thái ở các vùng khác nhau sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Nó dao động trung bình ít nhất cũng khoảng từ 3 đến 159 lần. Do đó khi nói đến giá trị kinh tế thực của các hệ sinh thái thì phải xác định rõ địa chỉ (không thể đem giá trị sinh thái của Hòn Mun gắn cho vùng khác - ví dụ như vịnh Vân Phong chẳng hạn) và các đối tượng định giá: giá trị hàng hóa hay giá trị chức năng. Điều quan trọng hơn nữa, trong đánh giá kinh tế các hệ sinh thái tự nhiên là phải có nhận thức đầy đủ và có sự quyết đoán dựa vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và nhu cầu phát triển bền vững tại địa phương. Có thể tham khảo nhưng không thể rập khuôn hay áp dụng máy móc kết quả tính toán của vùng này cho vùng khác.



TÁC DỤNG CỦA RỪNG NGẬP MẶN

TRONG VIỆC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI Ở VÙNG VEN BIỂN


Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm hứng 5 - 8 cơn bão và áp thấp kèm theo mưa lớn; bão thường kết hợp với triều cường gây ra lũ 1ụt. Trước kia ở nhiều địa phương ven biển dù đê chưa được bê tông hoá nhưng mái đê có lớp cỏ và dây leo phủ kín và có các bức tường xanh là các dải rừng ngập mặn (RNM) vững chắc bảo vệ nên đê ít khi bị xói lở hoặc bị vỡ khi mưa bão.

Vào cuối thế kỷ XX, do sự bùng nổ về dân số và yêu cầu xuất khẩu nên phần lớn RNM ở miền Bắc đã bị phá lấy đất trồng cói chế biến hàng xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và Đông Âu. Ở miền Nam rừng bị khai thác kiệt quệ để lấy gỗ tròn và hầm than xuất khẩu, và làm đầm nuôi tôm. Bên cạnh đó việc phá RNM phòng hộ để sản xuất nông nghiệp, làm nơi đổ xỉ than. xây dựng cảng, khu dân cư, khu du lịch... cũng góp phần đáng kể trong việc huỷ hoại RNM.

Hậu quả của những hoạt động kinh tế vì lợi ích trước mắt hoặc cục bộ đã tạo điều kiện cho thiên tai hoành hành, cuộc sống của cộng đồng ven biển luôn bị đe doạ.

Thực tế đã cho thấy nơi nào phục hồi và bảo vệ tốt RNM thì khi có bão kể cả những cơn bão lớn với tốc độ gió cấp 10, 11, 12 như trong năm 2005 thì đê vẫn an toàn. Trong lúc nơi có phủ bê tông vững chắc nhưng không có RNM như ở Cát Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng bị sạt lở nặng, một số đoạn bị vỡ trong cơn bão số 2 năm 2005.

Do đó việc phục hồi các dải RNM, nghiên cứu các loài cây trồng thích hợp để giảm thiểu tác hại do thiên tai là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

I. THIỆT HẠI DO THIÊN TAI
l. Các tổn thất do một số cơn bão đầu thế kỷ XI

Trong những năm gần đây, ở một số nước ven bờ các đại dưong đã hứng chịu những cơn bão khủng khiếp như bão Katrina ở Florida (Mỹ), bão Chanchu ở Trung Quốc, bão Damrey ở Việt Nam. Theo thống kê của Ban phòng chống lụt bão và thiên tai Trung ương (CCFSC, 2002) thì thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam năm 2002 là: 335 người chết, 34 người bị

mất tích, 9.802 nhà bị đổ hoặc bị trôi, 46.490 ha lúa bị ngập, 31.283 m3 đê bị xói lở, 462 công trình thuỷ lợi nhỏ bị hỏng hoặc trôi mất.

Năm 2005, 7 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó có 3 cơn bão lớn với sức gió từ 89 đến 133 km/giờ gây ra thiệt hại lớn (bảng 1).



Thống kê các cơn bão và ATNĐ đổ bộ vào Việt Nam theo thời gian (1996 - 2006)

Vùng bờ biển
Thời gian xuất hiện
Tên cơn bão
Cấp bão

Quảng Ninh - Thanh Hoá
03/07/2006
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
28/10/2005
Kaitak (số 8)
Cấp 9 (75 - 88 km/h

Quảng Ninh - Thanh Hoá
19/09/2005
Damrey (số 7)
Cấp 12 (118 - 133 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình
15/09/2005
Vicente (số 6)
Cấp 9 (75 - 88 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
11/09/2005
ATNĐ
Cấp 8 (62 - 74 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
09/08/2005
Noname ( số 3)
Cấp 7 (50 - 61 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
28/07/2005
Washi (số 2)
Cấp 10 (98 - 102 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi
16/06/2004
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
09/06/2004
Chanchu (số 2)
Cấp 7 (50 - 60 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
12/11/2003
Nepartak (số 7)
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình
08/09/2003
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
20/08/2003
Krovanh (số 5)
Cấp 11 (103 - 117 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
16/07/2003
Koni (số 3)
Cấp 9 (75 - 88 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình
10/09/2002
Hagupit (số 4)
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
29/07/2002
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi
05/12/2001
Kajiki (số 9)
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
07/11/2001
Lingling (số 8)
Cấp 11 (103 - 117 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình
10/08/2001
Usagi (số 5)
Cấp 8 (62 - 74 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình
05/09/2000
Wukong (số 4)
Cấp 10 (89 - 102 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi
20/08/2000
Kaemi (số 2)
Cấp 7 (50 - 61 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi
29/05/2000
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
14/12/1999
Noname (số 10)
Cấp 7 (50 - 61 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
04/11/1999
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Bình Thuận - Cà Mau
22/10/1999
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình
15/10/1999
Eve (số 9)
Cấp 8 ( 62 - 74 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
09/12/1998
Faith (số 8)
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
23/11/1998
Elvis (số 6)
Cấp 7 (50 - 61 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
17/11/1998
Dawn (số 5)
Cấp 7 (50 - 61 km/h)

Bình Thuận - Cà Mau
11/11/1998
Chip (số 4)
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Bình Thuận - Cà Mau
31/10/1997
Linda (số 5)
Cấp 8 (62 - 74 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi
02/10/1997
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Trị - Quảng Ngãi
21/09/1997
Fritz (số 4)
Cấp 7 (50 - 61 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
20/08/1997
Zita (số 2)
Cấp 11 (103 - 117 km/h)

Bình Thuận - Cà Mau
07/11/1996
Ernie (số 8)
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Bình Định - Ninh Thuận
10/11/1996
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Nghệ An - Quảng Bình
11/09/1996
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
05/09/1996
Sally (số 5)
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
18/08/1996
Niki (số 4)
Cấp 11 (103 - 117 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
13/08/1996
ATNĐ
Cấp 6 (39 - 49 km/h)

Quảng Ninh - Thanh Hoá
21/07/1996
Frankie (số 2)
Cấp 11 (103 - 117 km/h)


Nguồn: Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thuỷ văn, 2006

Bảng 1. Thiệt hại do các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam tháng 9 năm 2005

Loại thiệt hại
Hạng mục
Đơn vị
Bão số 6 (Vincente)
Bão số 7 (Damrey)



Người
Số người chết
Người
14
59

Số người mất tích
Người
6
16

Số hộ phải di dời
Hộ
1.867
32.442



Nhà cửa
Tổng số nhà đổ, trôi
Cái
68
4.746

Tổng số nhà ngập, hư hại
Cái

113.523

Số phòng hộ bị hư hại
Phòng
60
157

Bệnh viện, trạm xá đổ, hư hại
Phòng

197



Nông nghiệp
Tổng diện tích lúa ngập, hư hại
ha
109.433
240.174

Tổng diện tích hoa màu bị ngập, hư hại
ha
22.678
77.761


Thuỷ lợi
Khối lượng đất đá sạt, trôi, bồi lấp
m3
328.200
1.574.930

Khối lượng đá, bê tông hư hỏng
m3
1.800
253.365

Đê biển vỡ
m

1.160

Đê biển sạt, hư hỏng
m

76.681

Kênh (mương) sạt lở
m

6.420

Số lượng cống dưới đê bị vỡ, trôi
Cái
15
18



Giao thông
Đường bị xói lở mặt
m2

62.240

Chiều dài đường bị hư hại
Km
40
268

Cầu, cống sập, trôi
Cái

156


Thuỷ sản
Diện tích ao, hồ nuôi tôm cá vỡ, ngập
ha

21.984

Tàu thuyền chìm, hư hỏng
Cái

65

Đê thuỷ sản sạt lở
m3

75.000


Nguồn: Báo cáo hiện trạng thiệt hại của CCFSC ngày 22/9 và 2/10/2005

2. Xói lở ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long

Ở Nam Bộ nói chung và vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long nói riêng ít khi bị bão (trừ cơn bão Linda 1997) nhưng gió mùa đông bắc (gió chướng) kết hợp với triều cường và dòng triều mạnh đã gây ra xói lở nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Tình trạng xói lở ngày càng tăng, một phần quan trọng là do rừng phờng hộ ven biển và ven sông nước lợ bị phá để làm đầm tôm nên khi các thuyền máy có công suất lớn hoạt động thì gây xói lở lớn ở hai bờ, đặc biệt là các đê bao (bảng 2).

Bảng 2. Tình trạng xói lở bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long


STT
Tỉnh
Chiều dài đê bị lở (km)
Mức độ năm (m/năm)
Điạ điểm

1
Tiền Giang
42,7
25 - 30
Gia Thuận, Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Điền

2
Bến Tre
29,22
25 - 30
Thừa Đức, Thới Thuận, Bảo Thuận, Tân Thuỷ, An Thuỷ, Thạch Hải

3
Trà Vinh
14,20
15 - 30
Mỹ Long Nam, Hiệp Thạch, Dân Thành

4
Sóc Trăng
18,7
15 - 30
Vĩnh Hải, Vĩnh Tân, lai Hoà

5
Bạc Liêu
6,3
30 - 40
Gành Hoà, Vĩnh Trạch Đông

6
Cà Mau
111,6
30 - 35
Từ Tân Thuận đến Đất Mũi

7
Kiên Giang
87,5
5 - 10
Khánh Tiến (U Minh), Hà Tiên, Hòn Đất, Rạch Giá


Nguồn: Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ - 2006.

II. TÌNH HÌNH PHỤC HỒI RỪNG NGẬP MẶN Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Từ cuối thế kỷ XX do thiên tai ngày càng tăng nên Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến việc trồng rừng phòng hộ ven biển (chương trình 327 và 661); đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ đầy thiện chí của một số tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới) và các tổ chức phi chính phủ (NGO) nên diện tích RNM phòng hộ đã tăng đáng kể. Hơn 100.100 ha rừng trồng đã phát triển tốt ở 16 tỉnh ven biển làm giảm đáng kể các thiệt hại do thiên tai. Các dải RNM có tác dụng làm tăng nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, cung cấp cua giống cho các đầm, nuôi dưỡng tôm, cua bố mẹ và những loài hải sản quan trọng khác. Nhờ có RNM phục hồi mà cuộc sống của cộng đồng ven biển được cải thiện rõ rệt. Ở 8 tỉnh phía Bắc và mũi Cà Mau, nhờ nguồn lợi cua giống mà nhiều gia đình đã vượt qua nghèo đói, một số hộ đã giàu lên nhanh. Cũng nhờ mùn bã của các RNM cung cấp thức ăn cho hải sản mà nghề nuôi vạng, nghêu trên bãi cát trước RNM ở các tỉnh ven biển phát triển mạnh.

Bảng 3. Diện tích RNM trồng ở các tỉnh ven biển Việt Nam


TT
Tỉnh
Diện tích (ha)
TT
Tỉnh
Diện tích (ha)

1
Quảng Ninh
2.006
1
TP Hồ Chí Minh
21.427

2
Hải Phòng
3.052
2
Tiền Giang
1.4220

3
Thái Bình
5.799
3
Bến Tre
3.280

4
Nam Định
2.371
4
Trà Vinh
4.307

5
Ninh Bình
790
5
Sóc Trăng
3.082

6
Thanh Hoá
1.667
6
Bạc Liêu
1.934

7
Nghệ An
1.843
7
Cà Mau
23.305

8
Hà Tĩnh
1.313
8
Kiên Giang
9.718


Tổng
18.841

Tổng
81.273

Tổng diện tích
100.114 ha


Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 2005, Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ 2006.

Sau các cơn bão lớn năm 2005, một số địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc phục hồi RNM. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên xây dựng dự án ''Qui hoạch bảo vệ phát triển RNM thời kỳ 2006 - 2015'' với vốn đầu tư là 30.794.239 triệu đồng trong đó vốn của Nhà nước: 20.894.239 triệu, vốn vay và tự có là 900 triệu để bảo vệ và trồng lại 23.879 ha RNM phòng hộ và 9.658 ha rừng đặc dụng (Sở NNPTNTQN, 2006; QĐ 3884/QĐ-UBND, ngày 17/10/05 của UBND tỉnh).

Các địa phương ven biển khác cũng rất muốn phục hồi RNM phòng hộ, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều nơi không còn đất để trồng do phần lớn các hợp đồng thuê đất dài hạn để làm đầm tôm còn có hiệu lực; nhiều hộ không muốn trả lại đất dù năng suất tôm suy giảm hoặc do dịch bệnh đang phải bỏ hoang. Nếu Nhà nước không có biện pháp cương quyết lấy lại đất và tạo điều kiện cho những hộ dân chuyển đổi nghề thì rất khó thực hiện qui hoạch phục hồi, phát triển rừng phòng hộ chắn sóng ven biển.

III. TÁC DỤNG CỦA RỪNG NGẬP MẶN TRONG VIỆC PHÒNG CHỐNG GIẢM NHẸ THIÊN TAI

Hạn chế xói lở, bảo vệ đất bồi

Hệ thống rễ dày đặc của các loài CNM có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ đất ven sông, ven biển và cửa sông. Chúng vừa ngăn chặn có hiệu quả hoạt động công phá bờ biển của sóng, đồng thời là vật cản làm cho trầm tích lắng đọng, giữ hoa, lá, cành rụng trên mặt bùn và phân hủy tại chỗ nên bảo vệ được đất. Bên cạnh đó một số loài cây tiên phong như mắm biển, mắm trắng, bần trắng sinh trưởng trên đất bồi non có khả năng giữ phù sa, mở rộng đất liền ra phía biển như vùng Tây Nam mũi Cà Mau, dọc sông Đồng Tranh (Cần Giờ - TPHCM), các bãi bồi ở cửa sông Hồng. Một số đảo nhỏ trên dải ven bờ cũng được nâng cao nhanh nhờ thảm thực vật ngập mặn như Cồn Ngạn, Cồn Lu ở Giao Thủy - Nam Định, Cồn Trong, Cồn Ngoài ở Cửa Ông Trang - Cà Mau.

Kết quả khảo sát của Phân viện Điều tra qui hoạch rừng Nam Bộ (2006) cho thấy diện tích đất bồi ven biển đồng bằng sông Cửu Long khá lớn. Nhiều nơi có RNM phòng hộ thì tốc độ bồi lắng nhanh hơn. Điển hình là việc hình thành 2 hòn đảo nhỏ ở cửa sông Ông Trang. Đảo Cồn Trong hình thành năm 1960, có diện tích là 122 ha. Ban đầu chỉ có mắm trắng, là cây tiên phong đến định cư, tạo môi trường thuận lợi cho các loài khác phát tán vào trong trên đảo. Theo kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu rừng ngập Minh Hải đã có 22 loài cây ngập mặn sinh sống, động vật đáy cũng phong phú. Đảo Cồn Ngoài hình thành muộn hơn, khoảng năm 1980, có diện tích là 149 ha. Đến nay thảm thực vật gồm 2 loài tiên phong là mắm trắng và bần trắng đã phủ kín đảo (T'rung tâm Nghiên cứu rừng ngập Minh Hải, 2003).

Bảng. Tình hình đất bồi ven biển đồng bằng sông Cửu Long

STT
Tỉnh
Chiều dài (km)
Mức độ bồi đắp (m/năm)
Địa phương (xã)

1
Tiền Giang
3.5
15 - 15
Tân Thành

2
Bến Tre
50.50
20 - 30
Thừa Đức, Thới Thuận, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thuỷ, Thạch Hải

3
Trà Vinh
28.4
10 - 60
Mỹ Long Nam, Long Hoa, Trương Long Hoà, Đông Hải (300 - 400m/năm), Vĩnh Long

4
Sóc Trăng
31.3
15 - 45
An Thành Nam (Cù Lao Dung), Trung Bình, Vĩnh Hải (150m/năm), Lạc Hoà

5
Bạc Liêu
34.7
5 - 45
Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh, Long Điền Đông, Long Điền Tây

6
Cà Mau
67
20 - 200
Đất Mũi, Viên An, Đất Mới, Phú Tân, Phong Lạc, Khánh Hải

7
Kiên Giang
57.8
5 - 15
Hà Tiên, Kiên Lương, An Biên, An Mênh


Nguồn: Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ, 2006

Hạn chế xâm nhập mặn

Khi RNM chưa bị tàn phá nhiều thì quá trình xâm nhập mặn diễn ra chậm và phạm vi hẹp vì khi triều cao nước đã lan toả vào trong những khu RNM rộng lớn; hệ thống rễ dày đặc cùng với thân cây đã làm giảm tốc độ dòng triều, tán cây hạn chế tốc độ gió.

Nhưng trong những năm gần đây, do phá hầu hết RNM ở ven biển để đắp bờ làm ruộng sản xuất cây nông nghiệp, đặc biệt là việc đắp những dãy bờ lớn để làm đầm tôm quảng canh làm thu hẹp phạm vi phân bố của nước triều ở ven biển, cửa sông. Do đó mà nước mặn theo dòng triều lên, được gió mùa hỗ trợ đã theo các dòng sông vào sâu trong đất liền với tốc độ lớn.

Nước mặn vào sâu kèm theo sóng đã gây ra xói lở bờ sông và cả các chân đê. Mặt khác nước mặn sẽ thẩm thấu qua thân đê vào đồng ruộng khiến cho năng suất bị giảm, tình trạng thiếu nước ngọt đã ảnh hưởng đến sản xuất và sử dụng trong sinh hoạt.

Tác dụng của RNM trong việc bảo vệ bờ biển, đê biển

Từ đầu thế kỷ trước nhân dân ở các vùng ven biển phía Bắc đã biết trồng một số loài cây ngập mặn như trang (Kahdelia obovata) và bần chua (Sonneratia caseolarls) để bảo vệ đê biển và vùng cửa sông. Mặc dầu thời kỳ đó đê chưa được bê tông hoá và xây kè đá như bây giờ nhưng nhiều đê không bị vỡ khi có bão vừa (cấp 6 - 8). Đó là nhờ các vành đai rộng RNM chắn sóng, thảm cỏ và dây leo dày đặc trên mái đê bảo vệ cho đê không bị xói lở. Mặt khác thân đê được đắp bằng loại đất thịt và nén chặt, không có tình trạng độn đê bằng cát và cành lá cây.

Từ nửa cuối thế kỷ XX. do dân số vùng biển tăng nhanh, nhu cầu xuất khẩu các hàng hoá bằng cói sang Liên Xô và Đông Âu cao nên nhiều địa phương đã phá RNM để phát triển diện tích trồng cói. Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này tan rã, với chủ trương đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế thì các đồng cói được chuyển sang nuôi tôm xuất khẩu và phần lớn diện tích RNM chống sóng còn lại dọc ven biển Việt Nam đã biến thành các loại đầm tôm, đầm cua.

Một số địa phương thực hiện nghiêm túc chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ và của các NGO thì đê điều, đồng ruộng được bảo vệ tốt. Tháng 9 năm 2000, cơn bão số 4 (Wukong) với sức gió 89 - 102 km/giờ đổ bộ vào huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nhờ các dải RNM trồng ở 9 xã vùng nước lợ nên hệ thống đê sông Nghèn không bị hư hỏng. Nhân dân thị xã Hà Tĩnh có nhận xét: Nếu không được Quĩ Cứu trợ Nhi đồng Anh (SCF-UK) giúp đỡ trồng RNM thì đê Đồng Môn đã bị vỡ và thị xã Hà Tĩnh đã bị ngập sâu, thiệt hại do cơn bão này sẽ khôn lường.

Tháng 7 năm 1996, khi cơn bão số 2 (Frankie) với sức gió 103 - 117 km/giờ đổ bộ vào huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình nhờ có các dải RNM rộng nên đê biển, bờ nhiều đầm không bị hỏng. Trong lúc huyện Tiền Hải do phá phần lớn RNM nên hầu hết các bờ đầm đều bị xói lở hoặc bị vỡ. Năm 2005, vùng ven biển huyện Thái Thuỵ - Thái Bình tuy không nằm trong tâm bão số 7 (Damrey) nhưng sóng cao ở sông Trà Lý đã làm sạt lở hơn 200 m đê nơi không có RNM thôn Tân Bồi xã Thái Đô trong lúc phần lớn tuyến đê có RNM ở xã này không bị sạt lở vì thảm cây dày đặc đã làm giảm mạnh cường độ sóng. Qua khảo sát ở một số địa phương có RNM phòng hộ nguyên vẹn như một số xã ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Thái Đô (Thái Bình), Giao Thuỷ (Nam Định), Hậu Lộc (Thanh Hoá) thì ở những nơi này đê biển hầu như không bị sạt lở trong cơn bão số 2, 6 và 7.

Một số kết quả bước đầu ngbiên cứu khả năng làm giảm cường độ sóng của RNM

Đặc điểm diễn biến của các cơn bão

Cơn bão số 2 (Washi ngày 31/7/2005) với sức gió cấp 10 (89 - 102 km/giờ) đổ bộ trực tiếp vào ven biển Hải Phòng trong khoảng thời gian từ 8 h đến 13 h, hướng gió thay đổi liên tục; độ cao sóng ngoài khơi lớn nhất là 2,6 m, mực nước cao nhất là 4,26 m lúc 11 h 30 phút (tại trạm KTTV Hòn Dáu).

Cơn bão số 7 (Damrey ngày 27 và 28/9/2005) với sức gió cấp 12 (118 - 139 km/giờ) đổ bộ vào vùng ven biển Hải Phòng trong khoảng thời gian từ 9 h đến l4 h, hướng gió chủ yếu là đông - đông nam; độ cao sóng ngoài khơi lớn nhất là 3.6 m, mực nước cao nhất là 4.18 m lúc 13 h (tại trạm KTTV Hòn Dáu).

Kết quả đo đạc và tính toán tại khu vực Bàng La (Đồ Sơn)

Các kết quả đo đạc và tính toán hệ số suy giảm giữa độ cao sóng ở trước và sau rừng trang có độ rộng 650 m khu vực Bàng La (Đồ Sơn) trong mấy cơn bão gần đây.

Trong cơn bão số 2, khi vào gần bờ (đới bờ nông), độ cao sóng giảm. Độ cao sóng lớn nhất đo được lúc 13 h cách trước rừng trang 150 m là 1.5 m, sau dải rừng trang rộng 650 m độ cao sóng còn 0.3 m, như vậy hệ số suy giảm độ cao sóng là 80%. Cơn bão số 7, khi vào gần bờ (đới bờ nông), độ cao sóng giảm. Độ cao sóng lớn nhất đo được lúc 12h30 cách trước rừng trang 150 m là 1.4 m, sau dải rừng trang rông 650m độ cao sóng còn 0,2 m, như vậy hệ số suy giảm độ cao sóng là 86%.

Các kết quả tính toán trên cho thấy, đối với rừng trang có độ rộng 650 m, mật độ 182 cây/100 m2, độ phân cành cách gốc từ 45 - 50 cm trở lên, tầng tán dày, độ che phủ đạt 90 - 95% có tác dụng làm giảm tới 80 - 88% độ cao sóng trong bão.

Kết quả đo đạc và tính toán tại khu vực Vinh Quang (Tiên Lãng)

Các kết quả đo đạc và tính toán hệ số suy giảm giữa độ cao sóng ở trước và sau rừng bần có độ rộng 650 m, 920 m và nơi có RNM khu vực Vinh Quang (Tiên Lãng) trong mấy cơn bão gần đây.

Trong cơn bão số 2, độ cao sóng lớn nhất đo được lúc 12 h cách trước rừng bần 100 m là l,6 m. Sau dải rừng bần rộng 920 m và không có rừng độ cao sóng còn 0,4 m. Hệ số suy giảm độ cao sóng sau dải rừng 920 m là 75 - 82%.

Trong cơn bão số 7, độ cao sóng lớn nhất đo được lúc 12 h 30 cách trước rừng bần 100 m là 1.5 m. Sau dải rừng bần rộng 920 m độ cao sóng còn 0,20 - 035 m. Hệ số suy giảm độ cao sóng sau dải rừng 920 m là 77 - 83%./.



BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG PHÒNG TRÁNH BÃO, ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI

ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯ DÂN ĐÁNH BẮT XA BỜ


I. Diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)

Nước ta có vị trí địa lý trải dài trên hơn 15 vĩ độ, có bờ biển dài 3.260 km, nằm gần một trong năm trung tâm bão thế giới, hằng năm nước ta thường chịu ảnh hưởng của trung bình từ 6 - 7 cơn bão và ATNĐ hình thành từ Thái Bình Dương.

Trong 6 năm đầu thế kỷ XXI (từ 2001 - 2006), thiên tai ở nước ta có những diễn biến bất thường, có 27 cơn bão và 11 ATNĐ trực tiếp ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền nước ta, trong đó có 14 cơn bão mạnh từ cấp 10 trở lên. Riêng năm 2005 có 9 cơn và năm 2006 có tới 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông, bão xuất hiện ngày càng nhiều và không còn tuân theo mùa như trước đây (như bão số 9 tháng 12/2005 và số 10, tháng 12/2006) biểu hiện tính bất thường của thời tiết, khí hậu.

Một số cơn bão, ATNĐ gây thiệt hại lớn cho ngư dân và tàu thuyền như:

- Áp thấp nhiệt đới gần bờ năm 1996 xảy ra trên vùng biển Nam Định - Thanh Hoá làm chết hơn 200 ngư dân của tỉnh Thanh Hoá, chìm hàng trăm tàu thuyền đánh cá.

- Cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997 xảy ra trên vùng biển Nam Bộ làm chết và mất tích trên 3.000 người, chìm gần 3.000 tàu thuyền đánh cá.

- Cơn bão số l (Chanchu) năm 2006 xảy ra trên vùng biển ngoài khơi xa, không ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ nước ta đã làm chết và mất tích 265 người, chìm hàng chục tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

- Riêng cơn bão số 9 năm 2006: 85 người chết, 11 người mất tích, trong đó khoảng hơn 20 người chết và mất tích do chìm tàu thuyền gần bờ, số còn lại chết do đổ nhà trên đất liền. 813 tàu thuyền bị chìm, vỡ khi đã về neo đậu trong bờ.

2. Những kết quả đạt được

Công tác thông tin cảnh báo bão và kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển vào nơi trú tránh bão đã có bước tiến bộ rõ rệt, cụ thể.

Trong đợt đối phó với cơn bão số 2, 6, 7, 8, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên, nhất là ở các tỉnh Nam Định, Thanh Hoá và TP Hải Phòng đã triển khai một cách quyết liệt và có hiệu quả việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, ngư dân trên biển và ven biển, không để xảy ra chết người, đắm thuyền. Các địa phương và các lực lượng vũ trang đã sử dụng mọi phương thức kể cả dùng máy bay trực thăng để thông báo và hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh. Kết quả đã gọi được trên 82.300 lượt phương tiện với gần 153.000 lượt người đang hoạt động về nơi trú tránh.

Trong bão số 6 năm 2006 đã kêu gọi 63.421 tàu thuyền và 315.149 ngư dân, cơn bão số 9 đã kêu gọi và hướng dẫn 12.876 tàu thuyền với 68.335 ngư dân về nơi trú ẩn, cơn bão số 10 đã kêu gọi 34.427 tàu thuyền với 176.845 ngư dân.

Do có sự phòng tránh tốt nên đã giảm được thiệt hại về người và tàu thuyền hoạt động trên biển như:

Cơn bão số 4 năm 2004 đi vào vùng Nam Biển Đông, qua bán đảo Cà Mau, Kiên Giang vào tháng 11/2005, có đường đi và cấp gió tương tự với cơn bão Linda năm 1997, cơn bão Linda đã làm thiệt hại hơn 3.000 ngư dân và 3.000 tàu thuyền đánh bắt cá bị chìm ngoài khơi, trong khi đó cơn bão số 4 năm 2004 do nắm chắc được dự báo, kịp thời kêu gọi tàu thuyền nên không có người bị chết trên biển, không có tàu thuyền bị đắm ngoài khơi.

Cơn bão số 7 năm 2005 đổ bộ vào vùng biển Bắc bộ và các cơn bão số 6, 7, 8, 9 và số 10 năm 2006 đều có sức gió mạnh trên cấp 12, do phòng tránh tốt nên không có người chết và tàu thuyền bị chìm trên biển.

Riêng cơn bão số l (Chanchu) bị thiệt hại nhiều người do đi vào vùng biển nước bạn không được neo đậu chu đáo, cơn bão số 9, nhiều tàu bị chìm do đã vào bờ nhưng thiếu nơi neo đậu an toàn.

Kết quả trên đã phản ánh sự cố gắng vượt bậc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đó là :

- Sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo PCLBTW, Uỷ ban QGTKCN và các bộ, ngành đã bám sát vào diễn biến của cơn bão để đưa ra các chỉ đạo cụ thể, chi tiết cho từng thời điểm, hướng dẫn tàu thuyền tránh bão trên từng khu vực. Vì vậy không chỉ đảm bảo cho việc phòng tránh bão, mà còn tiếp tục các hoạt động sản xuất an toàn trên biển.

- Các lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời nắm bắt các thông tin tai nạn trên biển, phối hợp xử lý có hiệu quả trong việc cứu hộ tàu và người bị sự cố.

- Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin thường xuyên, góp phần tích cực và quan trọng trong việc giúp nhân dân và chính quyền các cấp chủ động đối phó với bão.

- Cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn đã cập nhật thông tin, tham khảo các dự báo quốc tế về diễn biến của bão.

- Các bộ, các ngành đã phối kết hợp chặt chẽ, theo chức năng, nhiệm vụ đã tổ chức các đoàn đến địa phương cùng chính quyền các cấp chỉ đạo công tác đối phó và khắc phục hậu quả.

- Chính quyền địa phương đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, chủ động thực hiện các phương án phòng tránh, giúp dân đối phó với bão.

3. Bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn thành công và không thành công trong công tác phòng tránh bão, ATNĐ chúng ta có thể rút ra một số bài học sau:

- Dự báo, cảnh báo sớm bão và ATNĐ, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin, tham khảo dự báo của thế giới để hiệu chỉnh các bản tin dự báo đảm bảo tính chính xác và kịp thời là điều kiện tiên quyết đối với công tác chỉ đạo phòng tránh bão, ATNĐ.

- Sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ đã thống nhất và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các lực lượng cũng như tham gia của người dân vào phòng tránh bão đạt hiệu quả cao.

- Sự chỉ đạo cụ thể và hướng dẫn kỹ thuật phòng tránh cho ngư dân của Ban chỉ đạo PCLBTW và các bộ, ngành là hết sức cần thiết đối với chính quyền địa phương và người dân.

- Những biện pháp chỉ huy kiên quyết cụ thể, chi tiết, chủ động của chính quyền và Ban chỉ huy PCLB các địa phương là yếu tố quyết định đến giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra đối với ngư dân và tàu thuyền của địa phương mình.

- Công tác cứu hộ, cứu nạn phải kết hợp giữa lực lượng cứu hộ của Nhà nước với tự cứu giúp nhau lúc hoạn nạn của ngư dân cùng tham gia đánh bắt trên biển mới mạng lại hiệu quả thiết thực và kịp thời.

- Ý thức chủ động tự phòng tránh của ngư dân chấp hành sự chỉ huy của các cơ quan chức năng sẽ giảm được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

- Sự hỗ trợ của quốc tế là rất thiết thực, đã góp phần giúp bà con ngư dân trú tránh bão và cứu giúp khi gặp nạn.

4. Một số giải pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho ngư dân

Sự ấm lên của trái đất và biến đổi khí hậu toàn cầu đang có tác động bất lợi đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự gia tăng các cơn bão nhiệt đới gần đây trong khu vực cũng như ở Việt Nam, đồng thời với sự phát triển nhanh chóng về số lượng tàu thuyền khai thác thuỷ sản trên biển trong đó có số lượng lớn tàu đánh bắt xa bờ trong khi hệ thống thông tin và tổ chức quản lý không theo kịp đang là những thách thức lớn đến sự an toàn của ngành thuỷ sản nước ta.

Để đảm bảo cho khai thác thuỷ sản trên biển an toàn và hiệu quả, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

a. Tiếp tục cải tiến và nâng cao độ chính xác công tác dự báo:

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo áp dụng bản tin dự báo bão thời hạn 48 giờ tiến tới tăng thời hạn dự báo dài hơn vào bản tin tác nghiệp, chi tiết và cụ thể hơn nội dung các bản tin, đồng thời tăng số lần phát bản tin dự báo khi bão đang trên Biển Đông và di chuyển vào bờ để hỗ trợ tốt hơn công tác chỉ đạo và chủ động phòng tránh của nhân dân.

b. Hỗ trợ khả năng ứng phó cho ngư dân đánh bắt thuỷ sản:

- Công tác phát và thu nhận thông tin dự báo, cảnh báo và chỉ đạo ứng phó với bão ATNĐ:

+ Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, kiểm tra và có biện pháp phủ sóng toàn bộ vùng lãnh hải của nước ta và vùng biển quốc tế nơi các tàu đánh cá đang hoạt động (khi thời tiết xấu), tăng thời lượng phát bản tin bão (kể cả tin bão xa) để các tàu đánh cá xa bờ có khả năng nắm bắt thông tin.

+ Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khai thác, sử dụng tốt hệ thống thông tin chuyên ngành để phục vụ quản lý tàu thuyền nghề cá tạo điều kiện để ngư dân thông tin hai chiều về đất liền.

+ Bộ Thuỷ sản phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chỉ đạo việc kiểm tra trang thiết bị thông tin trên tất cả tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ, đảm bảo có thiết bị thông tin và đăng ký ngư trường mới cho ra khơi đánh bắt; tổ chức bộ phận để thu nhận thông tin và quản lý tàu thuyền đánh cá trên biển.

+ Ngoài ra cần xây dựng các trạm thu phát sóng, cột tín hiệu cảnh báo bão, các vị trí bắn pháo hiệu để cảnh báo bão cho tàu thuyền.

c. Tổ chức đánh bắt thuỷ sản:

Bộ Thuỷ sản hướng dẫn tổ chức các tổ đội đánh bắt trên biển một cách có hiệu quả và cứu giúp nhau khi gặp nạn; tuyên truyền, vận động chủ phương tiện đăng ký tham gia bảo hiểm trong đánh bắt xa bờ; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thuyền trưởng bảo đảm có đủ kiến thức kinh nghiệm khi ra khơi.

d. Tăng cường năng lực cho công tác tìm kiếm - cứu nạn xa bờ:

Tăng cường đầu tư nguồn lực; trang bị thêm tàu cứu hộ cứu nạn cho Uỷ ban Quốc gia TKCN đảm bảo đủ công suất để có thể cứu hộ cứu nạn đến vùng biển xa.

e. Xây dựng các khu neo đậu trú tránh bão cho tàu thuyền:

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền theo Quyết định của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2010 sẽ xây dựng khoảng 75 trong tổng số 98 khu theo quy hoạch. Tổ chức, tuyên truyền hướng dẫn và tạo điều kiện để ngư dân vào trú tránh bão./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới