Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Nga tăng cường sức mạnh hạt nhân

Một máy bay ném bom chiến lược Tu-95 đang hoạt động với sự hộ tống của hai máy bay tiêm kích (Ảnh: Militar.org.ua)
Nằm trong chương trình cải tổ và tái vũ trang toàn diện quân đội như Tổng thống Dmitry Medvedev tuyên bố hôm 17.3, lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga cũng có những thay đổi triệt để.

Cơn mưa tiền

Vào ngày 26.2.2009, trả lời phỏng vấn báo Nước Nga, Phó thủ tướng thứ nhất Sergei Ivanov nói rằng, đến năm 2020, lực lượng hạt nhân chiến lược của xứ sở bạch dương sẽ được nâng cấp, đổi mới toàn bộ. Chương trình tái vũ trang và nâng cấp hệ thống lá chắn hạt nhân từng được giới quân đội chờ đợi lâu nay, sẽ được tiến hành từ năm 2011 đến năm 2020. Chính phủ Nga không ít lần tuyên bố, cho dù cơ cấu quân đội có thể được tinh giảm (lượng), nhưng chất của quân đội cần phải được nâng cao.

Cũng cần lưu ý rằng, đây đã là chương trình thứ tư về cải tổ, nâng chất quân đội Nga. Nó đã được chính phủ thông qua vào tháng 2.2009 và sẽ được trình lên Duma quốc gia vào tháng 3 này. Trước đó, chương trình thứ ba kéo dài từ 2007 đến 2015 hiện đang tiến triển tốt. Nhiều kế hoạch quân sự quốc gia từ thời Liên Xô trước đây được khởi động lại nên quân đội Nga đã và đang nhận được nhiều vũ khí, khí tài mới.

Tuy nhiên, hai chương trình đầu tiên hầu như lại thất bại. Chương trình thứ nhất, từ năm 1996 đến năm 2005, chỉ hoàn thành 20% kế hoạch. Đến năm 2000, chương trình này bị phá sản do hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Chương trình thứ hai, dù có khiêm tốn hơn, được tiến hành từ năm 2001 đến 2010, nhưng do nhiều nguyên nhân nên cũng không hoàn tất được. Vào năm 2006, khi giá dầu bắt đầu tăng, vị thế nước Nga được củng cố, thì những ưu tiên cho quân đội càng được chú trọng và hiệu quả hơn.

Theo kế hoạch, 4.000 tỉ rúp (khoảng hơn 100 tỉ USD) đã được phê duyệt cho quân đội trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2011, trong đó năm 2009 này quân đội sẽ nhận 1.300 tỉ rúp (gần 40 tỉ USD) để tái vũ trang. Đây là mức chi lớn, vì kế hoạch tái cấu trúc quân đội từ năm 2007 đến 2015 theo dự tính trong thời điểm hiện nay chỉ cần 4.900 tỉ rúp (trên 130 tỉ USD).

Nhân đôi tên lửa chiến lược

Theo nhiều nguồn thông tin, hiện Lực lượng Tên lửa Hạt nhân Chiến lược Nga (RVSN) có tổng cộng 426 tổ hợp, có thể phóng 1.586 đầu đạn hạt nhân. Trong đó có 75 tên lửa hạng nặng R-36 MUTTKh và R-36M2, nặng 211 tấn, có khả năng đưa lên vũ trụ 8,8 tấn vũ khí và đưa 10 đầu đạt hạt nhân tới bất kỳ châu lục nào; bên cạnh đó là 97 tên lửa UR-100NUTTKh, 189 tổ hợp tên lửa cơ động Topol, 50 tổ hợp Topol–M cố định, 15 tổ hợp Topol-M cơ động.

Việc nâng cấp, thay mới tổ hợp Topol-M cố định được tiến hành từ năm 1997, còn loại cơ động từ năm 2006 và vẫn tiếp tục được thực hiện. Tổng tư lệnh RVSN - Đại tướng Nicolay Solovshov, cho biết việc đổi mới lực lượng này sẽ được tiến hành trong khuôn khổ chương trình quốc gia từ năm 2007 đến 2015 cũng như theo đơn đặt hàng quốc phòng của Nhà nước Nga. Vào tháng 12.2008, ông Nicolay Solovshov cho biết quân đội sẽ kéo dài thời hạn sử dụng của hai loại tên lửa R-36M (R-36M MUTTKh và R-36M2), vốn được biên chế vào quân đội và luôn trực chiến từ năm 1970 đến 1980. Theo thiết kế, hai loại tên lửa này có thời hạn sử dụng tương ứng là 25 năm và 21 năm. Tuy nhiên, giờ thì thời hạn này được kéo dài lên đến 30 năm.

Tên lửa hạt nhân Topol-M của Nga (Ảnh: Voltairenet)

Một trong những điểm nhấn quan trọng của việc nâng chất RVSN là kế hoạch thay mới tổ hợp tên lửa xuyên lục địa RS–24, hiện đang được tiến hành. Một trung đoàn RS-24 thuộc loại cơ động sẽ được biên chế để trực chiến vào tháng 12.2009.

Trong năm 2009, trong cơ cấu của RVSN, Nga có 11 sư đoàn tên lửa hạt nhân chiến lược. Tuy thế, theo tuyên bố của Đại tướng Nicolay Solovshov, đến năm 2016 Nga sẽ có 2 đạo quân tên lửa hạt nhân với 9 sư đoàn/đạo quân.

Nâng cao sức mạnh hạm đội

Nằm trong chương trình “Trang bị vũ khí hạt nhân Nga”, hiện trong kho của lực lượng hải quân Nga có 14 tổ hợp phóng tên lửa đạn đạo chiến lược, có khả năng phóng 611 đầu đạn hạt nhân. Trước đây, 14 tổ hợp này thuộc Hạm đội Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh cơ cấu các hạm đội, toàn bộ các tổ hợp tên lửa chiến lược được chuyển giao cho Hạm đội Bắc.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Nga rất tích cực trong việc thiết kế loại tàu ngầm mới cho hải quân và thử nghiệm loại tên lửa mới. Đáng chú ý là Chính phủ Nga đã tái khởi động thành công kế hoạch đóng tàu ngầm hạt nhân mới mã số 955/955A “Borey” được tiến hành từ ngày 2.11.1996. Sau 12 năm, vào cuối năm 2008, Nga đã hoàn tất việc đóng con tàu này và đang chạy thử nghiệm. Dự kiến trong năm 2009 sẽ biên chế nó vào quân đội.

Tuy nhiên, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Chẳng hạn, việc thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo mới là Bulava, dự tính để thay thế loại Bark, vẫn gặp trục trặc sau 10 lần phóng thử. Trong khi đó, dự tính đến cuối năm 2009, Bulava sẽ được biên chế cho các hạm đội. Cho dù độ chính xác của Bulava rất cao, nhưng sẽ còn phải phóng thử ít nhất là 5 lần nữa rồi mới có quyết định cuối cùng. Hiện loại vũ khí mới nhất mà hải quân Nga được trang bị là tên lửa Shineva. Đây chính là loại tên lửa để chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân, rất cơ động và tiện dụng.

Cao hơn, xa hơn và chính xác hơn

Từ tháng 8.2007, máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga bắt đầu hoạt động trở lại. Các máy bay Tu-160 đã tăng tần suất bay tuần tra đến không phận quốc tế tại nhiều điểm trên thế giới. Giờ đây, các chuyến bay như thế được thực hiện đều đặn theo kế hoạch, cho dù máy tiêm kích của NATO thường xuyên bám sát theo dõi các hoạt động của máy bay Nga.

Theo số liệu gần đây nhất - tháng 7.2008, trong cơ cấu Đoàn không quân số 37 Nga có 79 máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160. Ngoài khả năng ném bom, hai loại máy bay này còn có khả năng bắn 884 tên lửa đạn đạo các loại. Hiện Nga cũng đang thiết kế các loại tên lửa mới, mang ký hiệu Kh–101 (loại thường) và Kh-102 (mang đầu đạn hạt nhân) để thay thế các loại tên lửa hiện có. Dự kiến, 1 chiếc TU-95 sẽ mang được 8 tên lửa loại mới ở bên ngoài, còn Tu-160 là 12 tên lửa.

Trong năm 2009, Nga đang tích cực nâng cấp hai loại máy bay nêu trên và cả loại ném bom tầm xa TU-22M3. Các loại máy bay này sẽ tiếp tục được trang bị thêm hệ thống điều khiển hiện đại, mà trước mắt là ngắm bắn tự động từ trên cao với độ chính xác rất lớn. Ngoài ra, tầm bay và thời gian hoạt động của máy bay cũng sẽ được chú trọng, để bay được xa hơn và lâu hơn.

Trong tương lai gần, theo kế hoạch nâng cấp máy bay chiến lược tầm xa, Nga sẽ thiết kế loại máy bay mới dựa trên nền tảng Tu-160. Theo các nhà chuyên môn, việc thiết kế sản xuất sẽ mất từ 5 đến 8 năm. Chuyến bay đầu tiên của máy bay chiến lược này sẽ diễn ra sau năm 2015.

Có thể thấy, sau nhiều năm lĩnh vực quốc phòng bị “buông lỏng” vì khó khăn kinh tế, giờ Nga ưu tiên hơn cho việc hiện đại hóa quân đội hơn bao giờ hết. Với việc tăng cường sức mạnh của lực lượng hạt nhân chiến lược, Nga sẽ có nhiều thuận lợi và tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn trong giải quyết các vấn đề mang tầm vóc quốc tế.

Hoàng Hoài Sơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới