Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Bảy

Những chiến dịch chống khủng bố trái pháp luật


Những cuộc tập kích trái phép của quân đội Mỹ vào lãnh thổ Syria gần đây và trước đó là Pakistan đã gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ của chính quyền các nước bị vi phạm chủ quyền. Những tiết lộ mới nhất của báo chí Mỹ gần đây đã cho thấy, cả cơ quan tình báo và quân đội Mỹ trong vòng 4 năm gần đây đã tổ chức gần một chục những cuộc tấn công bí mật tương tự.

Nguyên nhân là do các đơn vị của CIA cũng như Lầu Năm góc đã được “bật đèn xanh” với đặc quyền có thể triển khai những chiến dịch chống khủng bố tại gần 20 quốc gia khác nhau mà không cần quan tâm tới mối quan hệ của Mỹ đối với những quốc gia này, cũng như cả về luật pháp và chủ quyền lãnh thổ của họ…

Tự hành xử trên… đất người
Theo kết quả điều tra của báo chí Mỹ, đầu tiên là tờ The New York Times, nguyên nhân của những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ cả công khai lẫn bí mật trên của tình báo và quân đội Mỹ bắt nguồn từ một chỉ thị bí mật từ năm 2004 được Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Donald Rumsfeld ban hành và Tổng thống George Bush phê chuẩn.

Chỉ thị này cho phép các đơn vị của CIA và đặc nhiệm của Lầu Năm góc được phép tấn công vào các căn cứ, cơ sở và những nhóm vũ trang có quan hệ với al-Qaeda tại bất cứ địa điểm nào trên thế giới, kèm theo đó là một loạt những đặc quyền rộng rãi hơn để triển khai các chiến dịch tại những quốc gia được cho là “hiện không có xung đột với Mỹ”.

Có tổng cộng từ 15-20 quốc gia nằm trong một danh sách như thế, trong đó chủ yếu là các nước tại Trung Đông và vùng vịnh Persian như Pakistan, Syria, Yemen, Saudi Arabia hay Somalia…

Chỉ thị bí mật trên ra đời chỉ một thời gian ngắn sau khi diễn ra vụ khủng bố 11-9. Liên quan đến hoạt động tình báo trong chỉ thị này, Tổng thống Bush đã trao cho CIA đặc quyền tiêu diệt hay bắt giữ các thành viên al-Qaeda, kèm theo đó là một số quyền hành rộng rãi hơn trong việc bắt giữ và thẩm vấn bí mật những nhân vật bị tình nghi khủng bố tại các nhà tù ở nước ngoài, cũng như nghe trộm các cuộc điện thoại mà không cần sự cho phép của tòa án.

Đáng chú ý hơn là do lường trước được những nguy cơ bại lộ và sự phản đối của các nước sở tại, ông Bush cũng cho phép các quan chức quân đội và tình báo lập kế hoạch phản ứng trước đối với những hậu quả có thể xảy ra từ những cuộc tấn công này.

Những chiến dịch đáng chú ý

Chỉ thị trên của Rumsfeld về sau đã trở thành cơ sở để người kế nhiệm - Robert Gates - đưa ra một loạt những mệnh lệnh cụ thể liên quan đến hàng loạt những đợt tấn công của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Pakistan. Báo chí Mỹ trên cơ sở phỏng vấn 6 quan chức cao cấp của chính quyền Bush đã nêu ra một loạt ví dụ cụ thể về những chiến dịch như trên.

Chẳng hạn chiến dịch phối hợp giữa CIA và Lầu Năm góc vào năm 2006 tại khu vực Bajaura (Pakistan), ngoài các điệp viên CIA còn có sự tham gia của một phân đội đặc nhiệm SEAL chuyên được triển khai trong những tình huống khó khăn và quan trọng.

Chiến dịch còn được giám sát theo thời gian thực từ trụ sở của CIA ở Langley (ngoại ô Washington), tức là cách hiện trường hơn 7.000 dặm. Trực tiếp tham gia hỗ trợ cho chiến dịch, CIA còn triển khai một máy bay do thám không người lái Predator.

Một chiến dịch tương tự cũng đã diễn ra vào ngày 26-10 vừa qua tại Syria. Nhưng theo khẳng định của báo chí Mỹ, đây không phải là trường hợp duy nhất thuộc loại này đã được Mỹ triển khai tại Syria. Trước đó, quân Mỹ đã tổ chức một vài đợt đột kích nhỏ nhằm “ngăn chặn nguy cơ những phần tử khủng bố xâm nhập vào Iraq”.

Ngoài ra, một loạt những kế hoạch tấn công được lập kế hoạch trước đã bị bãi bỏ với lý do không đủ thông tin về các đối tượng hay do quá mạo hiểm. Đáng chú ý nhất trong số này là kế hoạch nhằm bắt giữ cánh tay phải của bin Laden là Ayman al-Zawahiri tại Pakistan - cũng bị bãi bỏ vào giờ chót vì mức độ mạo hiểm cao.

Hồi năm 2006, khi quân đội Ethiopia tổ chức một chiến dịch tiêu diệt những tay súng Hồi giáo cực đoan tại Somalia, Lầu Năm góc cũng đã cử tới đây một đơn vị đặc nhiệm và máy bay hỗ trợ từ trên không AC-130 tới đóng quân sẵn tại một sân bay của Ethiopia.

Từ đây, một đơn vị với mật danh Task Force 88 đã nhiều lần tổ chức những đợt tấn công vào lãnh thổ của Somali để săn lùng các tay súng al-Qaeda, trong đó có cả chiến dịch săn lùng những kẻ tổ chức các vụ đánh bom nhằm vào đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania hồi năm 1998. Ngoài những vụ tấn công kể trên, còn phải kể tới nhiều chiến dịch tình báo bí mật khác của CIA trên lãnh thổ một loạt quốc gia, nhất là trên lãnh thổ Iran.

Ngoài những số liệu đơn thuần nói trên, các nhà báo Mỹ còn tiết lộ một số chi tiết về cách thức tổ chức các chiến dịch này. Cụ thể là để có thể triển khai chúng, Lầu Năm góc phải có được sự chấp thuận bổ sung từ phía một vài quan chức quan trọng khác trong chính quyền.

Chẳng hạn như để tấn công các căn cứ tại Somalia, quân đội và tình báo Mỹ cần phải có được sự cho phép của người đứng đầu Lầu Năm góc. Còn để hành động trên lãnh thổ của những quốc gia “nhạy cảm” như Pakistan hay Syria, cần phải có sự đồng ý của chính tổng thống.

Bất chấp việc quân đội và tình báo Mỹ bị đánh giá là quá lạm dụng những đặc quyền được chính quyền Mỹ cho phép để vi phạm nghiêm trọng đến an ninh và chủ quyền lãnh thổ của nhiều nước thì cũng ngay tháng 6 vừa qua, Tổng thống Bush lại phê chuẩn thêm một chỉ thị cho phép quân Mỹ đơn phương triển khai một loạt các chiến dịch quân sự tại khu vực do các bộ lạc địa phương đang nắm quyền lãnh đạo tại Pakistan.

LINH NGA (tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới