Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Nhớ những ngày Tháng Ba lịch sử

Quân Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam.

16h30 ngày 29/3/1973, chiếc DC9 từ từ lăn ra đường băng chính, tiếng động cơ gầm lên lấy đà và cất cánh. Thế là 20 năm gót giày của quân xâm lược đã dẫm đạp lên Tổ quốc thân yêu của chúng ta giờ chính thức rút về nơi xuất phát. Những ngày tháng Ba lịch sử năm 1973 sẽ còn đọng lại mãi trong ký ức bao người bởi chiến công vĩ đại của dân tộc ta trước một kẻ thù hung bạo nhất thời đại.

Đầu xuân Quý Sửu và sôi động hơn cả là từ tháng 3/1973 ở miền Nam Việt Nam, quân Mỹ và quân chư hầu lũ lượt rút về nước. Họ phải thực hiện theo Điều 5 Chương II - Chấm dứt chiến sự và rút quân do Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (Hiệp định Paris) đã quy định: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và nước ngoài đã nói ở Điều 3(a). Cố vấn của các nước nói trên cho tất cả các tổ chức bán quân sự và lực lượng cảnh sát cũng sẽ rút trong thời hạn đó”. (Trích Hiệp định Paris).

Những hạm đội, máy bay vận tải quân sự khổng lồ hoặc máy bay phản lực dân dụng được huy động cho “chiến dịch” rút quân này. Nhìn những bộ mặt uể oải, xám ngoét, cặp mắt lờ đờ nhợt nhạt, tóc tai bờm xờm... đang nhích dần, nhích dần về những khuôn cửa của phương tiện vận chuyển như đang chui vào đường hầm tăm tối!... Tuy vậy, lối đi đó lại đưa họ về với sự sống, về với quê hương, gia đình nên không ai từ chối.

Ở các địa điểm rút quân của Mỹ và chư hầu còn có một sự kiện đặc biệt gây chú ý cho các phóng viên trong nước và phóng viên nước ngoài của hàng trăm hãng thông tấn, truyền hình, báo, tạp chí lớn trên thế giới đang có mặt tại đó.

Họ xúm đến phỏng vấn, ghi âm, chụp ảnh, quay phim những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng là thành viên của hai Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CPVNDCCH - Đoàn A) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN - Đoàn B) trong Ban Liên hợp quân sự (BLHQS) 4 bên tới các địa điểm này làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc rút quân của Mỹ và chư hầu.

Chỉ gặp nhau trong điều kiện rất ngặt nghèo về thời gian, bối cảnh làm việc gấp gáp tại các địa điểm rút quân của đối phương nhưng anh em ta đã luôn sẵn sàng, niềm nở trả lời từng câu hỏi của các phóng viên trong nước và nước ngoài. Mọi người đều vui vẻ thỏa mãn với những yêu cầu mình đặt ra.

Nhiều hôm dưới sức nóng gay gắt của ánh nắng mặt trời nhưng ai nấy vẫn say sưa với công việc được giao. Tay cầm bản danh sách những tên xâm lược, miệng đọc to từng tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị... chờ có tiếng đáp lại và sau khi kiểm tra số người đúng với danh sách thì chúng ta mới đồng ý cho chuyến bay đó được rời khỏi sân bay. Thật vui và tự hào bởi chúng ta là những người chiến thắng!

Mấy ngày đầu, Gil-bớc Út-uốt - Thiếu tướng Trưởng đoàn Mỹ lẩn tránh không chịu thông báo lịch rút quân. Đồng chí Lê Quang Hòa - Thiếu tướng Trưởng đoàn A và đồng chí Trần Văn Trà - Trung tướng Trưởng đoàn B đã cực lực phản đối hành động thiếu thiện chí của Mỹ và tuyên bố phía Mỹ đã vi phạm Hiệp định Paris.

Út-uốt phân bua: “Chúng tôi nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định và rút ra khỏi miền Nam VIệt Nam 8.000 quân Mỹ và đồng minh!”.

Đồng chí Trần Văn Trà nhấn mạnh: “Đến hôm nay, chúng tôi xác định chưa thấy có một quân nhân Mỹ hoặc đồng minh nào rút khỏi miền Nam Việt Nam vì không có sự kiểm tra, giám sát của chúng tôi!”. Út-uốt ngồi im, không nói gì.

Dư Quốc Đống - Trung tướng Trưởng đoàn quân đội Sài Gòn, đỡ đòn cho quan thầy: “Các ngài đâu cần kiểm tra, giám sát gì, chẳng qua chỉ muốn quay phim, chụp hình rồi tuyên bố Mỹ thua, Mỹ phải rút quân thôi!”.

Út-uốt nghe Đống nói vậy mà thêm xạm cả mặt.

Ngày 21/3/1973, ta gửi công hàm cho đoàn Mỹ thông báo sẽ trao trả tù binh đợt 4 trong vài ngày tới, trước thời gian quy định với điều kiện phía họ phải rút hết quân cùng đợt này.

Nửa đêm, Út-uốt gửi công hàm trả lời hoàn toàn nhất trí sẽ tiến hành cùng một lúc vào cuối ngày 31/3/1973 và sẽ rút hết 5.498 lính Mỹ.

Phiên họp lần thứ I của BLHQS 4 bên hồi 15h15 ngày 2/2/1973, tại căn cứ Tân Sơn Nhất (Sài Gòn).

Đồng chí Trần Văn Trà, Trưởng đoàn B đã ký một bức công hàm lịch sử và gửi cho Út-uốt trong đó có viết: “Đoàn đại biểu quân sự CPCMLTCHMNVN yêu cầu phía Hoa Kỳ phải hoàn thành nghiêm chỉnh việc rút quân đúng thời hạn 60 ngày như Hiệp định và nghị định thư đã quy định mà không có một ngoại lệ nào. Yêu cầu cụ thể của chúng tôi là:

Việc rút quân của Hoa Kỳ và các đồng minh khác của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đợt cuối cùng phải bắt đầu từ 26/3/1973 và hoàn thành vào ngày 28/3/1973.

Số nhân viên quân sự Hoa Kỳ trong BLHQS 4 bên (gồm có 825 người Mỹ không được Út-uốt nói trong công hàm ngày 21/3/1973) phải rút hết trước 8h ngày 29/3/1973. Sau thời hạn 60 ngày ở miền Nam Việt Nam chỉ còn có một tổ LHQS 4 bên làm nhiệm vụ tìm kiếm những người chết và mất tích.

Chúng tôi không thể chấp nhận việc để lại 159 lính thủy đánh bộ canh gác Sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vì điều đó trái với Hiệp định Paris và quy chế ngoại giao quốc tế”. (Trích công hàm ngày 24/3/1973 của Đoàn đại biểu quân sự CPCMLTCHMNVN).

Phía Mỹ - ngụy biết rõ không thể lay chuyển được ý chí của chúng ta, lời văn trong công hàm chứa đầy sức mạnh của người chiến thắng đã buộc họ phải thay đổi thái độ. 2h sáng ngày 25/3/1973, cánh cổng của trụ sở hai phái đoàn ta được mở, sĩ quan liên lạc Mỹ đến gõ cửa trao công hàm. Nội dung vẫn lập lờ ngoan cố, giọng điệu quẩn quanh “hòa bình trong danh dự...” và cuối cùng phải xin rút (!).

Ngay trong ngày 27/3/1973, tổ giám sát của chúng ta đã phải làm việc liên tục suốt cả ngày với 11 chuyến bay của Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến thứ 11 còn phải vắt sang hơn 1 giờ sáng ngày hôm sau mới xong.

Thiếu tá Đoàn Văn Diên, sĩ quan Đoàn B trong tổ giám sát vỗ vai một đại úy quân đội Sài Gòn: “Quá khuya rồi nhưng chịu khó một chút, nhìn cảnh Mỹ rút quân thế này người Việt Nam mình ai cũng thấy vui, không ăn mà vẫn no...”.

Viên đại úy hình như cũng vui lây, anh không nói gì thêm, ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm đầy sao đang nhấp nháy. Tân Sơn Nhất đêm nay yên bình huyền diệu!

Phiên họp cuối cùng ngày 28/3/1973 của BLHQS 4 bên không có gì phải tranh cãi gay gắt. Vào trong phòng họp các đoàn cho phép phóng viên quay phim, chụp ảnh, khoảng 10 phút sau phiên họp mới bắt đầu. Bốn đoàn thỏa thuận về tổ LHQS 4 bên tiếp tục giải quyết về mồ mả và người mất tích. Mỗi bên được cử 30 người và có thể làm việc ngay.

Đoàn đại biểu VNDCCH và đoàn Mỹ thỏa thuận sẽ rút hết trong các ngày 30 và 31/3/1973.

Phiên họp bế mạc, trước khi ra về, Út-uốt chủ động đến gặp riêng đồng chí Lê Quang Hòa, vẻ trịnh trọng và nói: “Có việc đặc biệt cần trình bày với ngài. Tôi xin ở lại đây thêm một đêm vì cả ngày 31/3 phải thu xếp cho những người Mỹ cuối cùng trở về nước. Sáng ngày 1/4 chúng tôi sẽ sang Băng Cốc bằng chiếc máy bay U21!”.

Anh Hòa chậm rãi và nói rành rọt để mọi người ở gần đó có thể nghe được: “Tối nay, tôi sẽ báo cáo ra Hà Nội. Tôi nghĩ đây là việc có thể giải quyết được, ông ở lại một đêm tôi cho rằng như vậy không có gì vi phạm. Nhưng chỉ được ở lại một đêm thôi nhé!”.

Út-uốt vui ra mặt, luôn mồm nói: “Cám ơn!”...

Mọi người đứng gần đó nghe hai trưởng đoàn trao đổi với nhau đều tỏ ra thích thú và nghĩ chuyện phải xin phép này của Út-uốt đâu có đơn giản, biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào yêu nước của chúng ta mới buộc kẻ xâm lược tỏ ra biết điều như vậy.

BLHQS 4 bên kiểm tra quân số lính Mỹ rút khỏi Việt Nam đợt cuối cùng ngày 29/3/1973 tại sân bay Đà Nẵng.

Ngày 29/3/1973, hai đoàn ta ở Trại Đavít nhận được thông báo rút quân cuối cùng của đoàn Mỹ. Thông báo có đoạn ghi: “Fi-drich Uây-en, Đại tướng, Tổng chỉ huy Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ (MACV), cũng rút khỏi Việt Nam ngày cuối cùng, cùng với 5 sĩ quan tham mưu cao cấp tùy tùng của ông ta”. Đúng là một văn kiện lịch sử của quân lực Hoa Kỳ sau mấy trăm năm chinh chiến...

Buổi trưa, tổ kiểm soát của hai đoàn ta từ trụ sở ra sân bay Tân Sơn Nhất. Trời nắng gắt, nhưng gió lộng nên không khí bớt nóng. Trên sân bay, 2 chiếc máy bay sơn loang lổ ngụy trang màu cỏ lẫn với đất. Gần đó là 2 chiếc vận tải DC9 của không quân Mỹ. Một chiếc máy bay dân dụng khổng lồ Bôing 747 đậu chắn phía trước mũi những chiếc vận tải quân sự kia. Như thế cũng có thể đoán được chiếc Bôing sẽ được ưu tiên chở số tướng tá Mỹ.

Ngoài cổng sân bay, có một đám đông đang đứng lố nhố, cờ quạt lòe loẹt. Họ đang làm lễ tiễn chân Uây-en và đám tùy tùng...

Bỗng nhiên từ phía đó có khoảng 50, 60 người ào ào chạy về hướng tổ công tác của hai đoàn quân sự ta. Họ mang vác lỉnh kỉnh máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm, trang phục nhiều màu sắc... Họ là những phóng viên phần đông của các hãng thông tấn lớn như AFP, AP, UPI, REUTER, SAPISA AGENCY, KYODO NEWS, các hãng vô tuyến truyền hình, các đài phát thanh và báo chí của nhiều nước.

Khi họ tới gần, anh em ta mới nhận ra họ là những nhà báo quen biết qua các lần gặp gỡ tại nhiều buổi họp báo do hai phái đoàn ta tổ chức hoặc chiêu đãi trong trụ sở Trại Davis, chiêu đãi của Ủy ban quốc tế ngoài Sài Gòn...

Một phóng viên người Thụy Điển của vô tuyến truyền hình SHEDE Tivi nói to: “Chào các ông! Chúng tôi tìm mọi cách để vào được sân bay, thấy các ông là chúng tôi chạy đến đây ngay!”.

Fêlich Bôlô, phóng viên của Hãng thông tấn AFP cũng vừa tới, thở hổn hển nhưng không giấu nổi niềm vui: “Nhận được tin có buổi lễ tiễn chân này, chúng tôi bàn ngay phải “lập mẹo du kích” là yêu cầu Hiệp hội ký giả nước ngoài xin Bộ Ngoại giao Sài Gòn cho phép vào dự lễ tiễn chân tướng Uây-en.

Ngoài cổng kia kìa! Họ đang làm lễ đó. Nhưng nhìn thấy các ông từ phía xa, chẳng ai bảo ai chúng tôi bỏ dự lễ và chạy sang đây”. Bôlô chỉ tay về phía cổng, nơi có đám cờ quạt lòe loẹt và tỏ vẻ thích thú. Một nữ phóng viên còn nói: “Trên thế giới này không phải ai cũng có niềm tự hào như các ông đâu”. Mặc cho quân cảnh, mật vụ hằn học, tức tối ở xung quanh.

Phía bên ấy chỉ còn đám tướng tá Mỹ, ngụy đứng trơ giữa khoảng trống mênh mông của sân bay. Tâm trạng Uây-en và các tướng tá Mỹ, ngụy có mặt tại buổi lễ chắc chắn sẽ không vui. Họ nghĩ gì khi thấy những phóng viên nước ngoài chạy ùa cả về phía tổ kiểm soát cuộc rút quân cuối cùng này (!?).

Những sĩ quan cách mạng tay cầm bản danh sách quân Mỹ rút chuyến này, đọc tên từng người, trong đó có tên của Uây-en và đám tùy tùng đi cùng. Cánh cửa máy bay đã khép lại. Chiếc máy bay Bôing 747 trườn ra đường băng và cất cánh đem theo những người Mỹ và nỗi buồn của kẻ bại trận.

Chiếc máy bay vận tải quân sự DC9 của Bộ chỉ huy vận tải quân sự Mỹ số hiệu 40.619 là chuyến cuối cùng. Một tốp lính Mỹ đi về phía chân thang máy bay. Tổ kiểm soát đã kiểm tra tên từng người và xác định có Đại tá Nơ-doóc, Trung úy Smít, Hạ sĩ Êlê-a-nô và người cuối cùng là Mắc Bi-en-ki.

Có lẽ đây là tên lính xâm lược cuối cùng phải rời khỏi miền Nam Việt Nam. Cả tốp lính Mỹ đã vào hẳn trong khoang máy bay. Bỗng nhiên từ khoang cửa, Đại tá Ô-đen lại xuất hiện. Ông ta lên máy bay từ trước, giờ lại nhảy xuống đất, tay cầm chai rượu vang đã mở ngửa cổ tu một hồi, rượu chảy tràn ra mép và xuống cổ áo.

Đại tá cảnh sát quân đội Sài Gòn tên là Ngưu ra tiễn Ô-đen đón chai rượu và cũng uống ừng ực. Cả thầy lẫn tớ chắc đang hậm hực lắm (!). Ô-đen lại là lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam!

Cửa máy bay đã đóng. Chiếc DC9 từ từ lăn ra đường băng chính, tiếng động cơ gầm lên lấy đà và cất cánh. Bầu trời phía đông đã ngả màu xam xám của buổi chiều. Con chim sắt bao phen gây tội ác cho đất nước Việt Nam đang rúc vào bức màn đen tối khổng lồ. Đồng hồ của những sĩ quan cách mạng lúc này chỉ vào con số 16h30 ngày 29/3/1973.

Thế là 20 năm gót giày của quân xâm lược đã dẫm đạp lên Tổ quốc thân yêu của chúng ta giờ chính thức rút về nơi xuất phát. Những ngày tháng Ba lịch sử năm 1973 sẽ còn đọng lại mãi trong ký ức bao người bởi chiến công vĩ đại của dân tộc ta trước một kẻ thù hung bạo nhất thời đại.

*** Ảnh tư liệu do Hoàng Duy cung cấp.

Hoàng Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới