Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Tư

Lá chắn của tham vọng


Hôm nay, Nga và Mỹ bắt đầu cuộc đàm phán xung quanh việc tiếp nối Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 1 (START-I), văn kiện có tầm chiến lược đối với an ninh toàn cầu.

Được coi như trụ cột của hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân, START-I đã góp phần giảm đến 80% tổng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Mỹ và Liên Xô vào thời điểm đó. Kể từ khi chính thức có hiệu lực vào tháng 12-1994 đến nay, START-I đã hạn chế không chỉ số lượng các đầu đạn hạt nhân đang được triển khai hay lưu kho, mà còn quy định cụ thể số lượng những phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân. Nhờ đó mà số đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ nay còn không quá con số 6.000 mỗi bên, số phương tiện (máy bay ném bom, tên lửa, tàu ngầm) có mang đầu đạn hạt nhân cũng giảm xuống mức dưới 1.600 đơn vị.

Khỏi phải nói về tác động quy mô toàn cầu của START-I. Thế nhưng, số vũ khí hạt nhân còn lại sau khi cắt giảm theo quy định của START-I vẫn lớn đến mức có thể tiêu diệt cả Trái đất hàng nghìn lần. Một hiệp ước mới thay thế START-I sau khi “công cụ” này hết hiệu lực vào tháng 12-2009 là yêu cầu cấp thiết với thế giới hiện nay. Không những thế, theo Bộ Ngoại giao Nga, nếu START-I không được kịp thời thay thế trước khi hết hiệu lực, thế giới sẽ không còn bất cứ một cơ cấu giám sát hiệu quả nào đối với hệ thống các vũ khí chiến lược của Nga và Mỹ.

Biết rõ điều đó nhưng Washington vẫn tỏ ra không mặn mà với đề nghị của Nga gắn vấn đề thay thế START-I với các cuộc đàm phán về cắt giảm số vũ khí thông thường và vũ khí phòng thủ tên lửa. Không những thế, mặc dù đồng ý với việc cần phải có hiệp định mới quy định cắt giảm thêm số vũ khí hạt nhân nhưng Lầu năm góc chỉ muốn hiệp định mới giới hạn số đầu đạn hạt nhân được triển khai, còn cho phép cất giữ với số lượng không hạn chế các đầu đạn hạt nhân dự trữ trong các kho chứa.

Không khó khăn gì để hiểu được toan tính của Mỹ. Với khó khăn về nguồn kinh phí, Nga không muốn cất giữ nhiều đầu đạn hạt nhân bởi sẽ phải tăng chi phí bảo dưỡng. Nếu hiệp định mới cho phép đưa vào kho cất giữ số vũ khí hạt nhân bị đưa ra khỏi biên chế mà không phải phá hủy như quy định của START-I, nhờ điều kiện bảo trì tốt hơn Nga, theo thời gian, số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ tự nhiên nhiều hơn Nga, đem lại cho Washington ưu thế hợp pháp.

Chưa hết, trong khi sẵn sàng cùng Nga tiếp tục cắt giảm số vũ khí hạt nhân và các phương tiện chuyên chở, Mỹ lại không muốn gắn vấn đề này với việc hạn chế vũ khí phòng thủ tên lửa. Giả sử Mátxcơva đồng ý với đề nghị của Washington thì sẽ xảy ra tình huống là trong khi sức mạnh “con bài” hạt nhân của Nga suy giảm theo tiến độ cắt giảm, thì khả năng ngăn chặn của Mỹ lại tăng lên nhờ việc tự do triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất Mỹ và châu Âu.

Dưới toan tính đó của Washington, “lá chắn” ngăn chặn nguy cơ tiếp tục chạy đua hạt nhân giữa Nga và Mỹ, nền tảng cơ bản cho an ninh toàn cầu trong tương lai, sẽ bị biến thành lá chắn cho tham vọng giành ưu thế tuyệt đối cả về vũ khí hạt nhân và thông thường của Mỹ. Chính vì thế, khó có thể hy vọng quá trình giảm bớt, tiến tới loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, sẽ sớm diễn ra, cho dù mục tiêu này luôn được Mỹ lớn tiếng cổ xúy.

Hoàng Sơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới