Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Điểm danh tàu chiến Trung Quốc

Theo báo cáo nghiên cứu về tình hình lực lượng tàu chiến mới đây, lực lượng Hải quân Trung Quốc đang sở hữu khoảng 1045 tàu chiến các loại. Giới phân tích cho rằng, với một lực lượng tàu hùng mạnh như vậy và kết hợp với chiến lược hành động của Hải quân, Trung Quốc sẽ bắt đầu có những bước đi mới trong chiến lược hải quân xa bờ, vươn rộng ra Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.


Đến năm 2020, TQ phát triển mạnh hơn bộ máy quân sự có trình độ công nghệ tiên tiến, có khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến quy mô, cách rất xa biên giới. Trung Quốc đã công khai về ngân sách quốc phòng năm 2007 khoảng 52 tỷ USD, năm 2008 khoảng 61 tỷ USD, năm 2009 khoảng 70,27 tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng những số liệu này rất thấp so với con số thực.

Lực lượng tàu chiến hiện có của Hải quân Trung Quốc:



Tàu sân bay:


Hiện nay, Trung Quốc đang sở hữu 01 tàu sân bay ATS Shichang cỡ nhỏ đa chức năng. Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ đóng 01 hàng không mẫu hạm cỡ lớn.

Tàu ngầm:


Hải quân Trung Quốc có khoảng 63 tàu ngầm các loại. Trong đó, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bao gồm: 02 tàu ngầm loại 094 lớp Jin, 01 tàu ngầm loại 092 lớp Xia, 03 tàu ngầm loại 093 lớp Shang, 04 tàu ngầm loại 091 lớp Han.

Tàu ngầm chạy bằng động cơ Diesel gồm: 12 tàu ngầm lớp Kilo (mua của Nga), 02 tàu ngầm loại 041 lớp Yuan, 20 tàu ngầm loại 039 lớp Song, 17 tàu ngầm loại 035 lớp Ming, 01 tàu ngầm loại 031 lớp Golf, 01 tàu ngầm loại 033G lớp Wuhan, trong đó các tàu lớp Romeo và Whiskey đã bị thải loại. Theo kế hoạch đến năm 2015 Hải quân Trung Quốc sẽ đóng thêm 02 tàu ngầm hạt nhân loại 094 lớp Jin, 01 tàu ngầm hạt nhân loại 093 lớp Shang, 10 tàu ngầm diesel loại mới thuộc lớp Song và Yuan.

Khinh hạm:


Hiện Hải quân Trung Quốc vận hành 47 khinh hạm các loại, trong đó bao gồm: 12 khinh hạm loại 054 lớp jiangkai, 10 khinh hạm loại 057 lớp Jiangwaei II, 04 khinh hạm loại 055 lớp Jiangwei I và 21 khinh hạm loại 053 lớp Jianghu. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ đóng thêm 10 khinh hạm loại 054 lớp Jiangkai.

Khu trục hạm:


Tổng cộng Trung Quốc có 26 tàu khu trục, trong đó có 03 khu trục loại 051C lớp Luzhou, 04 khu trục loại Sovremenny lớp Hangzhou, 03 khu trục loại 052C lớp Luyang II, 02 khu trục loại 052B lớp Luyang I, 01 khu trục loại 052A lớp Luhai, 02 khu trục loại 052 lớp Luhu, 11 khu trục loại 051 lớp Luda. Theo kế hoạch đến năm 2015 Trung Quốc sẽ đóng thêm một số tàu mới gồm: 03 khu trục loại 051D lớp Luzhou, 01 khu trục loại 052C lớp Luyang II.

Tàu mang tên lửa điều khiển:


Tổng số hiện có 84 tàu gồm: 50 tàu loại 022 lớp Houbei, 04 tàu loại 037-II lớp Houjian/Huang, 30 tàu loại 037-IG lớp Houxin. Theo kế hoạch Trung Quốc sẽ đóng thêm 10 tàu loại 022 lớp Houbei vào năm 2015.

Tàu tuần tiễu:


Là loại tàu có số lượng hùng hậu nhất với 231 chiến hạm các loại gồm: 36 tàu loại 037-IS lớp Haiqing, 78 tàu loại 037 lớp Hainan, 17 tàu loại 062/1 lớp Shanghai III/Haizhui, 100 tàu loại 062 lớp Shanghai II.

Tàu tác chiến thủy lôi:


Hải quân đang sở hữu 101 tàu các loại gồm: 01 tàu lớp Wolei / Bulieijian, 40 tàu loại 010 [Sov T-43] lớp 010 [RESERVE], 01 tàu loại 082 lớp Wosao, 50 tàu lớp Lianyun, 09 tàu loại 025 lớp Huchuan.

Tàu tác chiến đổ bộ:


Gồm 39 tàu các loại, trong đó: 01 tàu loại 071 lớp Yuzhao, 12 tàu loại 072 III lớp Yuting, 11 tàu loại 072 II lớp Yuting, 07 tàu loại 072 lớp Yukan, 01 tàu loại loại 073 III lớp Yudeng, 01 tàu loại 073 II lớp Yudao, 04 tàu đổ bộ tấn công lớp Qiongsha, 02 tàu bệnh viện lớp Qiongsha, 02 tàu bệnh viện lớp 920, 01 tàu bệnh viện loại 320 mua của Nga. Theo kế hoạch năm 2015 Trung Quốc sẽ đóng mới các tàu sau: 01 tàu loại 071 lớp Yuzhao, 08 tàu loại 072 III lớp Yuting.

Xuồng tác chiến đổ bộ:


Gồm 305 chiếc, trong đó có 20 xuồng loại 074 lớp Yuhai/Wuhu, 25 xuồng loại 079 lớp Yulian/Yuliang/Yuling, 30 xuồng loại 068/069 lớp Yuchin, 200 xuồng loại 067 lớp Yunnan và 30 xuồng loại 724 lớp Jingsah II. Năm 2015 sẽ đóng mới 05 xuồng lớp Yuhai/Wuhu.

Tàu tác chiến điện tử:


Hiện Hải quân sở hữu 21 tàu gồm: 01 tàu lớp Dongdiao, 01 tàu lớp Dadie / Beidiao, 04 tàu lớp mới, 01 tàu lớp Xing Fengshan / Xiangyang Hong, 14 tàu do thám lớp mới.

Tàu khảo sát và nghiên cứu hải dương:
Hiện Hải có 24 tàu các loại gồm: 04 tàu lớp Yuan Wang, 04 tàu lớp Xiang Yang Hong, 02 tàu lớp Yanqian (mod-Kansha), 07 tàu lớp mới và 07 tàu khảo sát biển lớp mới.

Các tàu xuồng yểm trợ khác:



Với khoảng 142 tàu xuồng khác nhau gồm: tàu vận tải, tiếp dầu, chở dầu, khảo sát, nghiên cứu biển, tàu hỗ trợ thử nghiệm vũ khí, tàu huấn luyện, tàu rải cáp, tàu cứu hộ và tàu kéo.

Chiến lược của Hải quân

Bên cạnh một lực lượng tàu chiến hùng hậu như vậy, Trung Quốc cũng đã đề ra cương lĩnh cho chiến lược của Hải quân nhằm tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ sự thống nhất quốc gia, bảo vệ quyền lợi trên biển, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh hải, chiến lược kiềm chế đối phương từ ngoài khơi và chiến lược ngăn chặn chống sự đổ bộ của đối phương vào lãnh thổ.

Tăng cường khả năng đưa các lực lượng quân sự tới những nơi xa xôi trên biển cả. Cụ thể là sự vươn xa ra hướng Biển Đông và Thái Bình Dương.

Đối với chiến lược Hải quân, Trung Quốc cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể là: cần tích cực phòng ngự cận hải, qua đó khẳng định sức mạnh của Hải quân Trung Quốc đối với việc bảo vệ quyền lợi trên biển và để tối ưu hoá các chiến dịch tác chiến của Hải quân.

Nhiệm vụ của Hải quân Trung Quốc hiện nay là trấn thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, và ra đến quần đảo Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippine, và quần đảo Greater Sunda. Hướng phát triển tiếp theo là vươn ra xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, thách thức đối với quân đội Mỹ.

Tuy nhiên theo giới phân tích đánh giá, hiện nay lực lượng quân sự Trung Quốc mới chỉ dừng ở mức độ có khả năng đánh thắng được một lực lượng quân sự bậc trung bình.

Tiếp đó đến năm 2020 có thể đuổi kịp quân đội các nước hạng hai như Nga, châu Âu và Nhật Bản. Đến năm 2050 có thể trở thành một siêu cường quân sự ngang bằng với Mỹ.



Quốc Tuấn (Theo Globalsecurity)




Thủ tướng Malaysia Najib
Cảnh giác trước cái bắt tay giữa Trung Quốc và Malaysia
“Tờ Thái Dương” của Malaysia có đăng một bài báo với nhan đề: Trung Quốc lớn mạnh và giàu có là phúc hay họa? Muộn nhất trong tháng này, Thủ tướng Malaysia Najib sẽ sang thăm Bắc Kinh.
Kể từ khi cha của ông Najib sang yết kiến ông Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai năm 1974 tới nay, Malaysia đã trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á công nhận Trung Quốc theo chủ nghĩa cộng sản.

Chuyến viếng thăm sắp tới của ông Najib sẽ từng bước tăng cường mối quan hệ song phương và củng cố tình hình an ninh khu vực. Theo chính quyền Malaysia, chỉ có hòa bình, toàn bộ khu vực này mới có thể thực hiện được an ninh lâu dài. Việc bỏ qua Trung Quốc hay ủng hộ các chính sách kìm hãm của Mỹ sẽ chỉ đi ngược lại với tôn chỉ an ninh khu vực. Giành cho Trung Quốc không gian “hít thở” rộng lớn hơn”trong khuôn khổ an ninh khu vực mới là con đường chính xác khi tiếp xúc với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều chính khách của Malaysia lại luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa về về quyến bá chủ và quân sự. Họ cho rằng, việc hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và với chi phí quân sự khổng lồ sẽ càng làm tăng thêm nỗi lo lắng về chính sách quản lý đường biển và việc xây dựng hàng loạt các căn cứ quân sự trên các tuyến đường biển của Trung Quốc. Những người này đều khẳng định chi phí quốc phòng của Trung Quốc vô cùng lớn. Số tiền mà mỗi binh sỹ trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đều không thấp hơn so với Israel hay Singapore.

Song một số quan chức chính phủ của Malaysia lại cho rằng, những người nói trên đã phí thời gian để dự đoán, thăm dò về những ý đồ quân sự của Trung Quốc. Theo họ, việc thảo luận về những đóng góp tích cực của Trung Quốc trong việc phòng chống khủng hoảng và an ninh khu vực sẽ quan trọng hơn, mang tính xây dựng hơn. Theo họ ông Najib cần phải từ chối gia nhập vào “đoàn hợp xướng” đả kích Trung Quốc, họ nhấn mạnh, sự hoảng sợ đối với đế quốc Trung Hoa là vô căn cứ.

Sau chiến tranh lạnh, lợi ích chiến lược của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á đã thay đổi. Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến quyền lợi chính trị của khu vực. Mặc dù Trung Quốc luôn cho rằng Trung Quốc coi các quốc gia Đông Nam Á là những người bạn trong khu vực, là thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế tạo quan trọng và có nguồn tài nguyên vật liệu phong phú, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ về động cơ quân sự của Trung Quốc.

Nhiều người cũng thừa nhận rằng, quan niệm về chính trị của Trung Quốc đã thay đổi, thế lực kinh tế, nguyện vọng hội nhập chính trị quốc tế và các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc đều đã đánh lừa cảm quan của một số người. Họ đều cho rằng, những nước dùng “thủ đoạn quân sự để thống trị thế giới” đều là mối đe dọa quân sự của toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, trong các vấn đề ngoại giao, nội chính, Trung Quốc vẫn chỉ là nước yếu ớt mong manh mà thôi.


Thu Hà (ce.cn)





Thái Bình Dương
Mỹ: Trung Quốc “hỗn xược”.
Theo tờ Indianexpress đưa tin, một chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ đã cho biết, Trung Quốc đã đề xuất phân chia các khu vực thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh hạ thủy các hàng không mẫu hạm của họ.
Timothy J Keating, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết: trong cuộc thảo luận về chương trình đóng các hàng không mẫu hạm tới đây của Trung Quốc, một sỹ quan cao cấp giấu tên thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc đã đưa ra lời đề nghị phân chia các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Sự việc đó đã được thông báo cho đô đốc Sureesh Mehta, tư lệnh Hải quân Ấn Độ trong cuộc thảo luận hôm thứ năm (14/5).

Ông Keating nói rằng, đề xuất đó của Trung Quốc là hơi “hỗn xược” và đã bị Mỹ từ chối, nhưng sỹ quan cao cấp đó của Trung Quốc đã nêu rõ rằng, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục phát triển công nghệ hàng không mẫu hạm của họ.

Sau khi có cuộc gặp với lãnh đạo cao cấp của quân đội Ấn Độ, Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông Keating nêu rõ “Tôi và đô đốc Mehta (Tư lệnh Hải quân Ấn Độ) đã thảo luận đôi chút về tiềm năng phát triển của tàu sân bay Trung Quốc. Tôi cho ông Mehta biết rằng: một sỹ quan cao cấp của Hải quân Trung Quốc đã đề xuất việc đó và cũng nói rằng chúng ta có thể sẽ ký kết việc này”

Đề xuất “thỏa thuận” đó đã chỉ rõ, sau khi Trung Quốc đã có các hàng không mẫu hạm, họ sẽ duy trì sức mạnh Hải quân, khu vực Thái Bình Dương có thể sẽ được phân chia thành hai vùng đảm trách.

Ông Keating cho biết thêm “(Sỹ quan của Hải quân Trung Quốc đã nói) các ông (Mỹ) sở hữu khu vực biển phía Đông đảo Hawaii và chúng tôi (Trung Quốc) sẽ sở hữu khu vực biển phía Tây Hawaii và Ấn Độ Dương. Sau đó, Mỹ sẽ không cần phải quan tâm tới Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Trung Quốc sẽ không cần phải lo lắng tới Đông Thái Bình Dương. Nếu có việc gì xảy ra ở đó thì Mỹ hãy cho Trung Quốc biết và nếu có việc gì xảy ra ở đây thì Trung Quốc sẽ thông tin cho Mỹ biết”


Thế chiến (indianexpress)



Tàu hải quân Trung Quốc áp sát tàu khảo sát USNS Impeccable.
Mỹ đang tìm cách kìm chế Trung Quốc lộng quyền trên Biển Đông
Trong khi quân đội Mỹ vẫn đang tập trung vào những hoạt động quân sự tại Trung Đông, thì những toan tính tranh giành trên Biển Đông của Trung Quốc có nguy cơ gây nên cuộc xung đột lớn.
Trong tháng 3, các tàu hải quân Trung Quốc đã đụng độ với một tàu khảo sát của Mỹ, tàu USNS Impeccable, tại vùng biển cách đảo Hải Nam 75 dặm, và trong tháng 6, một tàu ngầm Trung Quốc đã va chạm với thiết bị định vị kéo theo sau của tàu khu trục Hải quân Mỹ.
Hai vụ đụng độ giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ là sự biểu hiện về những toan tính hiện nay giữa hai cường quốc này.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại với Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong tương lai gần với hy vọng tránh được những va chạm như vậy trong tương lai và thiết lập các cơ chế để giải quyết vấn đề này. Đây được cho là một bước đi tích cực.
Việc Trung Quốc dùng vũ lực tranh chấp chủ quyền đối với Biển Đông và các hòn đảo và đảo san hô chồng lấn với các hòn đảo của một số nước Đông Nam Á, vùng biển này là tuyến đường biển thương mại có tầm quan trọng chiến lược sống còn tại châu Á, đồng thời sự tranh giành nguồn tài nguyên phong phú và tăng cường sức mạnh quân sự đều có khả năng gây nên xung đột trên biển Đông.
Các vụ đụng độ trên biển gần đây đã phản ánh thái độ kiên quyết hơn của Bắc Kinh trong những năm gần đây và nhất là khi Trung Quốc đang hiện đại hoá lực lượng hải quân của họ. Gần đây, Bắc Kinh đã gây áp lực đối với Việt Nam và Philippine về những tuyên bố chủ quyền của họ đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp (và đối với các dự án thăm dò dầu khí tại khu vực này của các công ty dầu khí phương Tây). Phản ứng của Trung Quốc với sự kiện tàu Impeccable cũng gây nên mối lo ngại, bất chấp luật pháp quốc tế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng các tàu Mỹ cần phải xin phép trước khi đi vào Khu Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ đối với những hành động khiêu khích này lại hết sức ôn hoà. Chính phủ Mỹ đã chỉ gửi công hàm phản đối lên chính phủ Trung Quốc sau sự kiện tàu Impeccable, và tuyên bố vụ va chạm của tàu ngầm Trung Quốc là vô ý.
Sự tiếp cận như vậy cho thấy chiến lược đối với Trung Quốc của Mỹ vẫn còn khó khăn. Mỹ đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc hợp tác trên một loạt các lợi ích chung, đồng thời cũng chuẩn bị đối phó với khả năng Trung Quốc lựa chọn giải pháp đối đầu. Tuy nhiên, với mong muốn duy trì các mối quan hệ với Bắc Kinh và để tránh căng thẳng, Mỹ muốn biện pháp ngăn chặn quân sự của họ phải được tiến hành kín đáo hơn là công khai. Với hy vọng Bắc Kinh sẽ có cái nhìn tích cực.
Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ trong trường hợp này chưa đánh giá hết được các toan tính của Trung Quốc trên Biển Đông. Mối quan ngại chính không phải là Trung Quốc có thể sẽ có lựa chọn chiến lược nguy hiểm để đối đầu với Mỹ ở đó, mà Trung Quốc có thể sẽ có những hành động gây hấn - có thể thông qua sức ép về kinh tế và quân sự đối với các nước láng giềng phía nam - nếu họ tin là họ có thể hạn chế được sự phản đối và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ.
Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của chính phủ trung ương Trung Quốc, gần đây đã đăng một bài viết cho biết 92% người sử dụng Internet cho rằng tranh chấp trên Biển Đông sẽ phải được giải quyết bằng vũ lực. Trong tháng này, một nhóm chuyên gia thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường một chiến dịch quân sự có thể sẽ “nhằm vào sự kiêu ngạo của một hoặc hai quốc gia nhỏ, trong thực tế là dùng vũ lực giành lại một số hòn đảo và đá ngầm chiến lược, bao gồm cả các cuộc tấn công vào các giếng dầu bất hợp pháp.” Theo quan điểm của họ, yếu tố quyết định là Mỹ có thể sẽ không quyết tâm phản đối các hành động quân sự.
Để giải quyết quan niệm sai lầm này, Mỹ phải làm rõ các sứ mệnh chống lại các hành động xâm chiếm bất hợp pháp trên biển Đông. Đồng thời họ phải có những bước đi thận trọng để làm giảm nguy cơ Trung Quốc sẽ có những phản ứng dữ dội.
Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải thông qua các cuộc đối thoại về các vấn đề trên biển để chuyển tải quyết tâm duy trì sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông. Tuy nhiên, do vấn đề này có ý nghĩa lớn hơn các vụ đụng độ trên biển, cho nên các nỗ lực này phải được gắn liền với các biện pháp khác. Quân đội Mỹ cần phải giải thích rõ những lợi ích của Mỹ tại khu vực này - bao gồm cả việc tự do đi lại qua vùng biển quan trọng này, và biện pháp giải quyết các xung đột lãnh thổ ở đây một cách hoà bình - và tái khẳng định Mỹ sẵn sàng bảo vệ những lợi ích đó. Mỹ cũng cần phải tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác Đông Nam Á của họ.
Đồng thời, nước Mỹ cần phải làm rõ rằng họ không có ý phản đối những hiện diện có tính hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển này, và mời Trung Quốc tham gia sâu rộng hơn vào các sứ mệnh an ninh hàng hải chống cướp biển và phổ biến vũ khí. Sự kết hợp các biện pháp này sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn của Mỹ trong khi vẫn khuyến khích Trung Quốc tham gia vào một cơ chế an ninh tập thể.


Ngọc Linh (Theo Worldpoliticsreview)



Thượng nghị sỹ Jim Webb
Mỹ tái khẳng định quyền tự do hoạt động trên Biển Đông
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ tư (15/7), Thượng nghị sỹ Jim Webb đã nêu lên tình hình ở khu vực Biển Đông và vai trò của Mỹ ở đây.
Khu vực Biển Đông đã hòa bình trong 30 năm qua. Nhưng Thương nghị sỹ Jim Webb, một đảng viên của đảng Dân chủ ở bang Virginia đã dẫn giải về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng tầm kiểm soát đe dọa an ninh ở khu vực này.



Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ những vùng tranh chấp trên Biển Đông và động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, đã đặt ra nhiều câu hỏi và những quan ngại của Washington.


Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Jim Webb đã nêu rõ “Trung Quốc đã không chỉ tăng cường những ảnh hưởng về kinh tế và chính trị mà còn mở rộng cả lãnh thổ. Việc hiện đại hóa về quân sự của Trung Quốc đã trực tiếp hỗ trợ cho nỗ lực này”.

Ông Webb nói rằng những quan ngại lớn nhất là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc đã đưa toàn bộ các đảo này vào vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Ông Webb cho rằng, Mỹ là quốc gia duy nhất có thể giúp tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp này. Theo ông, điều quan trọng cần phải làm rõ là chỉ có Mỹ mớikhả năng và sức mạnh để đương đầu với Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện nay.

Cũng trong buổi điều trần, ông Robert Scher, phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết “những hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực này hiển nhiên và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, và hoạt động của Mỹ sẽ được thực hiện tùy thuộc vào những mối quan tâm của chúng ta ở khu vực này và nguyện vọng của chúng ta là duy trì an ninh và ổn định ở khu vực tây Thái Bình Dương”

Trong khi đó, ông Scot Marciel, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Các vấn đề Đông Nam Á kiêm Đại sứ Mỹ tại ASEAN đã đề xuất việc tăng cường hiệu lực của Tuyên bố ứng xử chung trên Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký năm 2002.


Lan Hương (Theo globalsecurity)



Ảnh minh họa
Trung Quốc - Đài Loan tranh giành Trường Sa
Trong năm 2009 đã có hơn 500 lượt xung đột tranh giành giữa tàu của Trung quốc và Đài Loan tại lãnh hải quần đảo Trường Sa mà họ chiếm của Việt Nam. Việc gia tăng xung đột của các thế lực này cho thấy bản chất bất chính của việc xâm chiếm mà họ vừa thực hiện.
Đảo Ba Bình nằm ở tọa độ 10o23 độ vĩ bắc, 114o22 độ kinh đông, là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; đảo có chu vi 2,8 km, diện tích 43,2 ha và có một vòng đá san hô bao quanh. Chiều dài đảo là 1.470m, chiều rộng 500m, có độ cao trung bình 2,8m; trên đảo có mọc các loại cây dừa, chuối, đu đủ, cây cọ cao khoảng 7m và nhiều bụi rậm; trên đảo có một giếng nước và có nhiều công sự.

Kể từ sau năm 1975, Đài Loan đã sử dụng vũ lực chiếm đóng đảo Ba Bình của Việt Nam, và liên tục duy trì các lực lượng quân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt trong thời gian gần đây các phương tiện thông tin đại chúng của Đài Loan liên tục đưa tin về sự hiện diện quân sự cũng như tăng cường lực lượng với hơn 100 binh lính ở đảo này.




Đảo Ba Bình nhìn từ trên cao

Ngày 02/7/2009, một tàu khảo sát hải dương và 03 tàu cá khác của Trung Quốc đã ép một tàu cá thuộc tỉnh Pingtung Đài Loan phải rời khỏi khu vực đánh bắt cá trên khu vực biển thuộc đảo Ba Bình. Đài Loan đã không có động thái gì về việc này. Theo như ông Pan Meng-an, một đại biểu thuộc đảng DPP Đài Loan cho biết, lý do im lặng của lực lượng bảo vệ bờ biển trên đảo Ba Bình là vì họ không muốn làm ảnh hưởng tới những chính sách xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc của Chính phủ Mã Anh Cửu.



Trong năm 2009 đã có hơn 500 lượt xung đột tranh giành giữa tàu của Trung quốc và Đài Loan tại lãnh hải quần đảo Trường Sa.


Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, vị trí địa lý và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.



HH (Theo Taipeitimes)




Các tàu tuần ngư Trung Quốc diễn tập tại Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, hôm 30/6.
Hành động hai mặt của Trung Quốc trên Biển Đông
Trung Quốc đang có những hành động “lộng quyền” trên Biển Đông. Với lý do “bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản” Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh bắt cá trên một vùng biển rộng lớn gồm cả những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Lệnh cấm đánh bắt cá vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông
Tháng 5/2009, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trên một vùng biển rộng 128.000km2 tại những vùng biển đang có tranh chấp và nhiều vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam xung quanh hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 01/8/2009 với lý do “bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản”.
Sau khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Ngày 16/05/2009 Trung Quốc điều tàu Ngư Chính 44183 của tỉnh Quảng Đông tới Hoàng Sa, cuối tháng 5/2009 lại tiếp tục điều 08 tàu tuần tra tới Biển Đông để tăng cường các hoạt động giám.
Ngày 30/6 Trung Quốc cho biết, họ sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ các ngư dân của họ và đã tổ chức một cuộc diễn tập tại Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, với sự tham gia của 7 tàu tuần tra của Trung Quốc.
Đài RFI đêm 22/6 bình luận: "Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng Biển Đông, nhưng năm nay, Bắc Kinh tỏ thái độ cứng rắn khác thường trong việc buộc mọi người tuân thủ lệnh này bằng cách cử đội tàu hùng hậu xuống tuần tra. Một số vụ bắt giữ và phạt vạ các tàu đánh cá của Việt Nam đã diễn ra".
Bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam
Trong những năm gần đây, ngư dân Việt Nam khi ra khơi đánh bắt đều nơm nớp nỗi lo bị các tàu vũ trang hoặc tàu lạ nước ngoài tấn công, xua đuổi và cướp bóc mặc dù vẫn đang hoạt động trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từ ngày 16-17/6/2009, các lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt 37 ngư dân cùng 3 tàu cá Việt Nam (QNg - 6364 TS, QNg - 6597 TS và tàu QNg - 6517 TS) của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam, khi đang hành nghề đánh bắt cá bình thường tại tọa độ 16 độ 04 phút vĩ bắc/112 độ 05 phút kinh đông trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay ngư dân và các tàu cá nói trên. Như lời khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, "hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông".
Sau đó, 37 ngư dân và 03 tàu của Việt Nam trên đã được đưa về đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tại đây các ngư dân Việt Nam đã phải miễn cưỡng và bị ép lăn tay vào tờ biên bản vi phạm và phải chịu mức phạt tiền tổng cộng 510 triệu đồng Việt Nam vì đã bị Trung Quốc cho là “vi phạm Luật Ngư nghiệp Trung Quốc” trong khi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Với dụng ý nham hiểm của Trung Quốc, vấn đề không phải là tiền phạt. Sâu xa hơn, rất có thể họ sẽ dùng những biên bản xử phạt vô lý do họ tự thảo mà các thuyền trưởng Việt Nam bị ép lăn tay thừa nhận đã "xâm phạm lãnh hải Trung Quốc" để làm "chứng cứ" khi giải quyết những vấn đề tranh chấp liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông.
Nhưng lại liên tục vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam và các nước khác
Trong khi Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trên một vùng rộng lớn trên Biển Đông với lý do “bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản”, nhưng họ vẫn có các hoạt động đánh bắt cá bình thường tại những vùng biển này đồng thời tăng cường hoạt động đánh bắt và thăm dò tại những vùng biển chồng lấn, xâm phạm chủ quyền của các nước khác.
Báo Tiền phong ngày 30/6 cho biết, trưa ngày 27/6, hai tàu hải quân Việt Nam là HQ 621 và HQ 609 đã phát hiện 5 chiếc tàu lạ dài khoảng 25 m, rộng 6 mét mang cờ Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động thăm dò, đánh bắt hải sản trái phép tại tọa độ 8 độ 16 phút vĩ bắc, 110 độ 2 phút kinh đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, chỉ cách nhà giàn DK1/16 thuộc bãi cạn Phúc Tần khoảng 70 km. Hai tàu hải quân đã áp sát 5 chiếc tàu mang cờ Trung Quốc và yêu cầu rời khỏi khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, khi bị truy đuổi chúng đã phóng với tốc độ rất cao về hướng đông bắc. Trước đó thông tin từ đất liền báo ra tại khu vực trên có 7 tàu đánh cá vũ trang nước ngoài đang tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Còn Báo cáo sơ kết một năm công tác tuần tra bảo vệ ANTT trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày 4/6 cho biết, “Tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam diễn ra phức tạp, các tàu vũ trang uy hiếp, xua đuổi và tấn công tàu cá của Việt Nam.”
Ngày 29/6, của Hải quân Indonesia đã bắt giữ tàu cá MV Fu Yuan Yu F-80 của Trung Quốc không có giấy phép đánh bắt cá và giấy phép sử dụng đài vô tuyến đang đánh bắt cá bất hợp pháp ở khu vực biển Seram thuộc lãnh hải Indonesia.
Ngày 20/6, Cục Quản lý Tài nguyên Biển và Nghề cá thành phố Pontianak, Indonesia đã bắt giữ 8 tàu cá cùng 77 ngư dân thuộc Khu Tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trong khi các tàu cá này đang đánh bắt cá bất hợp pháp trong Khu Đặc quyền Kinh tế của Indonesia trên Biển Đông.
Hay ngày 21/12/2006, Philippines đã bắt giữ 25 ngư dân thuộc tỉnh Quảng Đông đã vi phạp lãnh hải của Philippine, số người này vừa mới được phóng thích trong tuần trước.
Đây chỉ là những vụ điểm hình trong rất nhiều vụ mà đội tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải và đánh bắt cá bất hợp pháp tại những Khu Đặc quyền Kinh tế của các nước khác đã bị bắt giữ, nhưng khi đã bị bắt giữ, Trung Quốc lại lên tiếng phản đối, họ cho rằng các tàu cá này đang đánh bắt cá trong các khu vực đánh bắt cá “truyền thống” của họ. Vậy khu vực đánh bắt cá “truyền thống” của Trung Quốc ở những đâu?
Chắc chắn lệnh đánh bắt cá này không phải vì mục đích “bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản” theo như họ nói mà nó còn có những mục đích mang tính chính trị có tính toán khác của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực sự muốn bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên Biển Đông vậy tại sao họ không cấm cả tàu cá của họ mà còn điều tàu tuần tra ra để bảo vệ.
Để thay cho lời kết, xin dẫn lời Giáo sư Ramses Amer, thuộc Trường đại học Stockholm, chuyên nghiên cứu về các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông: "Lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh ban hành hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu bảo vệ nguồn cá như họ nêu lên, mà đó là một chiến thuật để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển Đông. Rõ ràng là khu vực cấm đánh cá bao gồm những nơi đang có tranh chấp chủ quyền với nước khác, và thẩm quyền pháp lý của Trung Quốc không được công nhận”.


Ảnh minh họa
Chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông
Để đạt được những tham vọng hướng xuống phía nam Biển Đông. Trong thời gian gần đây Trung Quốc đã liên tục tăng cường nhiều hoạt động cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Mà cụ thể là bắt đầu có những dấu hiệu nâng cao trình độ khai thác, thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu; tăng cường các hoạt động quân sự nhằm phô trương sức mạnh; tăng cường khẳng định chủ quyền trên Biển Đông cũng ngày càng có những biểu hiện đáng báo động.
Về vấn đề dầu mỏ

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh cho nên nhu cầu sử dụng về dầu mỏ là rất lớn và ngày càng trở nên phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. Mặc dù nhu cầu sử dụng dầu mỏ lớn nhưng thực tế đã chứng minh được rằng nghành công nghiệp dầu khí của Trung Quốc có rất nhiều yếu kém. Khả năng tự thiết kế các trang thiết bị chính còn hạn chế, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa thiết kế được các trang thiết bị khai thác ở vùng nước sâu và trình độ kỹ thuật đồng bộ rất yếu kém và lạc hậu. Cho nên khả năng khai thác ở các vùng nước sâu như Biển Đông là ít có khả năng.

Nhận thức được điều này, cho nên Trung Quốc đã bắt đầu có những mục tiêu và phương hướng phát triển cho nghành công nghiệp khai thác dầu. Trong đó tập trung vào quy hoạch và điều chỉnh nghành đóng tàu, quyết tâm đột phá chế tạo được trang thiết bị công trình biển chủ chốt và cơ bản. Thúc đẩy sự phát triển hài hoà giữa trang thiết bị công trình biển với các thiết bị đồng bộ, gắn với nghiên cứu kỹ thuật cơ bản chung, phát huy vai trò kỹ thuật chủ đạo cơ bản chung của trang thiết bị công trình biển, nâng cao khả năng phát triển ổn định liên tục.

Phấn đấu đến năm 2012 phải có bước đột phá toàn diện trong nghiên cứu phát triển các lĩnh vực như giàn khoan di động, tàu phụ trợ và nghiệp vụ công trình biển, giàn khoan bán ngầm, giàn khoan tự nâng tác nghiệp ở vùng nước sâu trên 200 m, chế tạo tàu khoan thăm dò ở vùng nước sâu 3.000m, chế tạo loại tàu dầu khai thác nổi khu vực nước sâu, thiết kế giàn khoan khai thác bán ngầm nước sâu, tàu phụ trợ và tàu thi công công trình biển, thiết bị công trình biển hiện đại và nhiều các kỹ thuật khai thác và phân tích mỏ khác. (theo rigzone và energycurrent)

Về quân sự

Tính từ đầu năm 2009, lực lượng Không quân Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc diễn tập thực binh tác chiến ở khu vực biển xa, với sự tham gia của khoảng 100 máy bay các loại như tiếp dầu, Tác chiến điện tử, tiêm kíchcác máy bay chiến đấu khác nhằm đáp trả lại các tình huống và làm quen với môi trường thực tế trên Biển Đông. Trong đầu tháng 6/2009, Không quân Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc diễn tập tác chiến tầm xa trên Biển Đông, trong đó có các khoa mục tiếp dầu trên không nhằm kéo dài khả năng tác chiến ra xa hơn của các máy bay chiến đấu.

Đối với Hải quân, trong tháng 5/2009, Hạm đội Nam Hải có căn cứ đóng tại Tam Á đảo Hải Nam đã tổ chức một cuộc diễn tập Hải quân quy mô lớn trên Biển Đông với sự tham gia của khoảng gần 40 tàu chiến các loại như (tàu khu trục, tuần dương, đổ bộ hạng nặng, hậu cần) và khoảng 10 tàu ngầm cùng nhiều binh lính của Hải quân và Hải quân Lục chiến tham gia với các khoa mục đánh chiếm các đảo trong vòng 17 ngày (theo tạp chí Chinamil.com.cn)

Trung Quốc tung tin dư luận

Mặc dù Trung Quốc đã điều các tàu ngư chính tới Biển Đông nhằm giám sát và phong tỏa ngư trường trong đó bao gồm cả vùng biển của Việt Nam, đã bắt giữ ngư dân và các tàu cá của Việt Nam ngay trên lãnh hải của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc lại lên tiếng mạnh mẽ và cho rằng, nguồn tài nguyên ngư nghiệp trên biển Đông của Trung Quốc liên tục bị các nước láng giềng chiếm đoạt, các Ngư dân Trung Quốc bị tàu thuyền vũ trang của các nước quấy rối.


Từ nay vịnh Tokyo là thuộc Trung Quốc!!! (ảnh của Korea Times)



Tăng cường kiểm soát ngư trường

Từ ngày 30/6 đến 05/7, Cục Ngư nghiệp và Quản lý cảng cá Biển Đông đã tổ chức đã tổ chức một cuộc diễn tập tại Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, với sự tham gia của 7 tàu tuần tra ngư trường lớn nhất của Trung Quốc và 6 tàu hải cảnh. Trong đó có tàu Ngư Chính 311 và các tàu khác thuộc các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Cục trưởng Cục Ngư nghiệp và Quản lý cảng cá Biển Đông cho biết, sự tăng cường này có ý nghĩa quan trọng đối với việc giám sát và bảo vệ các ngư dân của Trung Quốc. Bên cạnh đó, diễn tập lần này cũng nhằm thống nhất chỉ huy, xây dựng đội hình chung, thống nhất phương thức giám sát quản lí tuần tra các khu vực, bố trí lực lượng hợp lí ở các khu vực, quy định phạm vi tuần tra và những trọng điểm cần giám sát.

Với những động thái trên của Trung Quốc, ta và ngay cả các nước trong khu vực cũng có nhận thấy một điều rằng, Trung Quốc đang có những động thái nhằm vươn xa xuống phía nam Biển Đông. Tuy nhiên, những tham vọng muốn độc chiếm toàn bộ khu vực Biển Đông như hình lưỡi bò với 9 nét đứt mà hồi tháng 3/2009 Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, có lẽ không chỉ mình Trung Quốc muốn là được, bên cạnh đó là còn cả một cộng đồng quốc tế và cả lòng tự tôn dân tộc của các nước có chủ quyền ở Biển Đông.



LH (Theo Vitinfo)



Biên bản phạt ngư dân Lý Sơn của Hải quân TQ. Ảnh: TP
Phía Trung Quốc bất ngờ liên lạc đòi tiền chuộc 12 ngư dân
Ngày 6/7, anh Dương Văn Thọ - chủ tàu QNg 6597 cho biết, sau nhiều ngày không thể liên lạc, bất ngờ vào khoảng 16h chiều 5/7, phía đang giữ 12 ngư dân tại Hoàng Sa chủ động gọi điện cho anh.
Ngày 6/7, anh Dương Văn Thọ - chủ tàu QNg 6597 cho biết, sau nhiều ngày không thể liên lạc, bất ngờ vào khoảng 16h chiều 5/7, phía đang giữ 12 ngư dân tại Hoàng Sa chủ động gọi điện cho anh.

“Đầu bên kia là tiếng của thông dịch viên người Trung Quốc. Họ hỏi đã có tiền chuộc chưa, sau đó họ đưa máy cho anh trai tôi là Dương Văn Hưởng (thuyền trưởng hiện đang bị giữ) nói chuyện. Tuy nhiên, chỉ nói được chưa đầy 10 giây thì bị cúp máy” – anh Thọ nói.

Thông tin từ Tiền Phong (ngày 7/7) dẫn lời anh Thọ cho biết luôn nghe tiếng thông dịch viên nhắc nhở với anh Hưởng trong điện thoại rằng “bảo người nhà chuẩn bị tiền chuộc nhanh chóng. Không một vài ngày tới sẽ bị dẫn về Hải Nam giao công an xử lý”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Cháng Văn phòng UBND xã An Hải (Lý Sơn) khẳng định, quan điểm của lãnh đạo xã trước sau như một là kiên quyết không để dân nộp tiền chuộc.

Ngày 16/6, Hải quân Trung Quốc đã bắt giữ 37 ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đưa về đảo Hoàng Sa. Sau khi thả 25 ngư dân, phía Trung Quốc ra hạn sau 10 ngày kể từ 21/6, nếu không có tiền chuộc sẽ dẫn độ 12 ngư dân còn lại về đảo Hải Nam giao cho công an xử lý.


Báo Khoa học Đời Sống Online

Kiên quyết không đóng tiền phạt chuộc ngư dân



"Thật vô lý khi ngư dân hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước mình mà phải đóng phạt. Nên dứt khoát sẽ không có chuyện nộp phạt và Trung Quốc phải thả vô điều kiện các ngư dân đang bắt giữ", TS Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chủ tịch Ủy ban liên hiệp nghề cá Việt - Trung trao đổi với VietNamNet sáng nay (23/7).
Trung Quốc nên cộng tác với Việt Nam
Với lá thư gửi người đồng cấp Trung Quốc hôm qua, ông đã đề nghị Trung Quốc phải thả vô điều kiện các ngư dân họ đang bắt giữ một tháng qua. Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc thả vô điều kiện. Ông chờ đợi phản ứng từ phía bạn ra sao?
Nhân danh Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban liên hiệp nghề cá Việt - Trung, tôi đã gửi thư cho ông Lý Kiện Hoa, Cục trưởng Cục nghề cá, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và đồng thời làm Chủ tịch Ủy ban liên hiệp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Trung Quốc - Việt Nam.
Ủy ban liên hiệp nghề cá giữa hai nước thường có các cuộc họp hàng năm đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. Trước cuộc họp trù bị của Ủy ban liên hiệp nghề cá lần thứ 6 diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 8 tới, trong thư tôi đã đề nghị ông Lý Kiện Hoa đưa ra những trao đổi, giải quyết vụ việc bắt giữ ngư dân Việt Nam. Đến nay, vụ việc đã xảy ra một tháng rồi.

Ảnh: Mai Kỳ
Ngư dân Việt Nam hoạt động ở vùng biển của mình, nên sẽ không có chuyện nộp phạt. Ảnh: Mai Kỳ
Về vụ việc này, Trung Quốc đã đơn phương cấm biển trong vùng thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và hành động đó sai với luật pháp quốc tế. Dù như thế nào, tôi cho rằng phía bạn nên cộng tác với phía Việt Nam để giải quyết vụ bắt giữ ngư dân này.
Vụ việc xảy ra đã một tháng, Bộ Ngoại giao cũng như phía Cục và các cơ quan chức năng đều đã lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc hợp tác với Việt Nam giải quyết vụ việc. Như cách ông nói thì cho đến nay Việt Nam chưa nhận được thỏa thuận hay hành động chính thức nào đáp từ phía Trung Quốc?
Ủy ban liên hiệp nghề cá đã từng gửi thư một lần rồi nhưng chúng tôi chưa nhận được phản hồi. Trong thư gửi ông Lý Kiện Hoa, tôi đề nghị cộng tác để giải thích vụ việc cũng như thả vô điều kiện ngư dân. Chúng tôi luôn mong muốn hợp tác hai bên sẽ tốt đẹp hơn.
Đến nay Trung Quốc vẫn kiên quyết không thả ngư dân nếu chưa nộp phạt. Họ vẫn cho ngư dân gọi điện về cho gia đình để mang tiền sang nộp phạt thì mới thả. Nhưng điều đó thì không được, vì mình hoạt động ở vùng biển của mình. Nếu nộp tiền thì đồng nghĩa công nhận hành động của ngư dân là sai, vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
"Sẵn sàng hoãn phiên họp"
Vừa qua, có thông tin cho hay Trung Quốc đã giảm mức tiền chuộc. Thông tin này có chính xác?
Theo con đường ngoại giao chính thức thì không có thông báo đó. Nhưng ngay cả việc giảm mức phạt cũng sẽ kiên quyết không đóng tiền phạt.
Nếu từ nay đến phiên họp trù bị của Ủy ban liên hiệp nghề cá giữa hai nước, vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía Trung Quốc, Cục sẽ có động thái gì tiếp theo?
Nếu chưa nhận được đáp từ, chúng tôi sẵn sàng hoãn phiên họp trù bị lại.

Ảnh: Mai Kỳ
Việt Nam đang xây dựng chính sách hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Ảnh: Mai Kỳ
Giữa hai nước đã có thỏa thuận, hiệp thương về việc khai thác nguồn lợi thủy sản trong khu vực đánh bắt chung. Tại sao vẫn có những va chạm như vừa qua?
Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ ký giữa Việt Nam và Trung Quốc nói rất rõ bao nhiêu tàu được hoạt động, ranh giới ra sao, cấp giấy phép ra sao. Hàng năm, chúng tôi đều họp lại để đánh giá tình hình thực hiện để xác định giảm hoặc tăng số tàu, hoặc xem có vụ việc gì xảy ra trên biển không như việc bắt giữ, xâm phạm để cùng nhau giải quyết.
Xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân
Cục có hoạt động hỗ trợ ngư dân về khai thác, đánh bắt cá trên biển như thế nào?
Chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân việc đánh bắt, khai thác thủy sản hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam hoặc vùng đánh bắt chung theo thỏa thuận với nước bạn. Khi khai thác ở vùng giáp ranh, phải để ý tình trạng thời tiết, sóng gió, thủy triều có thể đưa lưới trôi dạt sang phía nước bạn rồi vô tình mắc lỗi oan. Hiện nay chúng tôi cũng đang làm chính sách hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.
Liên quan đến các vụ tàu lạ đâm tàu, ngư dân Việt Nam bị thương vừa qua, Cục có hành động gì để giải quyết vụ việc cũng như bảo vệ, hỗ trợ ngư dân?
Thời gian gần đây, một số tàu cá của mình bị đâm va trong vùng tương đối nhạy cảm. Có cái khó vì bị tai nạn ban đêm nên ngư dân không biết số hiệu tàu. Chúng tôi đã hợp tác với Cục hàng hải và các cơ quan chức năng để xác định các tàu lạ đó.
Như Bộ Ngoại giao đã thông báo, Việt Nam đã gửi công hàm đến một số nước đề nghị hợp tác truy tìm, xác định danh tính tàu lạ đâm tàu của Việt Nam. Trong thư gửi ông Lý Kiện Hoa, tôi cũng đề nghị Trung Quốc hợp tác giúp Việt Nam truy tìm tàu lạ đâm tàu cá của Việt Nam.

Xuân Linh



Ảnh minh họa
Trung Quốc là nguyên nhân gây ra chạy đua vũ trang ở châu Á–Thái Bình Dương!
Các nước trong khu vực đang nhắm mắt lao vào cuộc chạy đua vũ trang để tự bảo vệ mình, bất chấp một thực tê là nền kinh tế của họ đang ngày càng bị kiệt quệ.
Thái Bình Dương vốn là cái tên yên ả. Vậy mà Đại dương này đang dậy sóng, và nguyên nhân của nó là một cuộc chạy đua Hải Quân đang tăng tốc từng ngày.



Theo nhìn nhận của giới chuyên gia thì các nước châu Á - Thái Bình Dương đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang do chính Trung Quốc kích động, mà điển hình nhất là một kỷ nguyên Tàu Ngầm ở châu Á đã và đang bắt đầu. Trung Quốc cố tình bắn một mũi tên nhắm vào nhiều đích. Cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém này sẽ khiến cho kinh tế quả các nước trong khu vực nhanh chóng bị kiệt quệ, khiến cho họ không còn khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trong kinh tế, và như thế khả năng tự vệ trước sự xâm lăng cũng chẳng còn. Ngoài ra "mèo trắng mèo đen..." Trung Quốc cũng không giấu giếm tham vọng trở thành một cường quốc xuất khẩu vũ khí, kiếm lời bằng mọi cách.


Theo đánh giá, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu chấu Á về hiện đại hóa Hải quân. Mục đích tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ sự thống nhất quốc gia, bảo vệ quyền lợi trên biển, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh hải, chiến lược kiềm chế đối phương từ ngoài khơi và chiến lược ngăn chặn chống sự đổ bộ của đối phương vào lãnh thổ. Với mục tiêu là cần tích cực phòng ngự cận hải, qua đó khẳng định sức mạnh của Hải quân Trung Quốc đối với việc bảo vệ quyền lợi trên biển và để tối ưu hoá các chiến dịch tác chiến của Hải quân.

Nhiệm vụ của Hải quân Trung Quốc hiện nay là trấn thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, và ra đến quần đảo Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippine và quần đảo Greater Sunda. Hướng phát triển tiếp theo là vươn ra xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương.

Trong đó, chú trọng tới mục tiêu cản trở Hải quân Mỹ tiếp cận vùng biển kế cận, kiềm chế Nhật Bản ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, kiềm chế Ấn Độ ở Nam Á, kiểm soát các tuyến hàng hải gần và yểm trợ các đòi hỏi chủ quyền trên biển. Mục tiêu lâu dài là thay đổi cán cân lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương và giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Theo con số thống kê mới đây nhất, Trung Quốc đang sở hữu một số lượng tàu chiến khổng lồ. Trong đó, tàu ngầm hiện có 63 chiếc, đến năm 2015 tăng lên 71 và đến năm 2020 là 78 chiếc, Trung Quốc tiếp tục có những bước điều chỉnh chiến lược đối với lực lượng tàu ngầm của mình. Trong đó chú trọng tới phát triển các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, cắt giảm các tàu ngầm đã lỗi thời có khả năng tác chiến kém.

Đầu năm 2009, Trung Quốc khởi công đóng tàu sân bay đầu tiên trong dự án đóng 02 tàu cỡ trung vào năm 2015, trọng tải 50.000-60.000 tấn. Theo thông tin chiếc đầu tiên sẽ mang tên “Mao Trạch Đông”. Trung Quốc đã đặt mua của Nga 04 hệ thống đổ bộ - kết cấu phức tạp nhất của tàu sân bay và 30 chiến đấu cơ SU-33 sử dụng cho tàu sân bay. Đến năm 2020 Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngoài hai phương tiện chiến tranh chủ chốt trên, Trung Quốc còn có một lực lượng tàu khá lớn với 26 khu trục, 47 khinh hạm, 84 tàu mang tên lửa điều khiển, 231 tuần dương hạm và nhiều loại tàu yểm trợ tác chiến khác.

Bên cạnh việc hiện đại hóa toàn bộ lực lượng Hải quân, Trung Quốc lại rất chú trọng cho phát triển Hạm đội Nam Hải có căn cứ tại Tam Á thuộc đảo Hải Nam, coi đây là một hạm đội chủ chốt và có vùng đảm trách trên biển Đông. Ngày 07/8, Hãng tin Interfax cho biết, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch mua 04 tàu đệm khí cỡ lớn của Ukraine với trị giá 315 triệu USD, nhằm tăng cường cho lực lượng Hải quân trên biển Đông (Hạm đội Nam Hải). Đây là loại tàu đệm khí cỡ lớn thuộc lớp Zubr, tàu này có khả năng mang được 03 xe tăng, 10 xe cơ giới đổ bộ hoặc có thể chở được 500 lính, có tốc độ di chuyển đạt trên 63 hải lý/giờ.

Trước sự gia tăng mạnh mẽ của lực lượng Hải quân Trung Quốc đã gây nên nhiều quan ngại cho Mỹ và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chặng đường đầu của cuộc đua. Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài nhận định Hải quân Trung Quốc chưa đủ năng lực bảo đảm điều động lực lượng lớn tàu chiến tới vùng biển xa, và mức độ hiện đại vẫn còn kém Hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và một số Hải quân bậc trung khác.

Đối với Mỹ, một quốc gia cũng đang có những cạnh tranh lớn trong chiến lược kiểm soát Đại dương, giữ vai trò chủ đạo và duy trì ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ hiện đang có những bước đi quan trọng, nhằm thay đổi toàn bộ cục diện cán cân chiến lược đối với khu vực này, thông qua việc điều chỉnh lực lượng quân sự ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Căn cứ quân sự trên đảo Guam.

Ngày 27/4/2009, Hãng thông tấn xã của Hàn Quốc đã đưa tin, Mỹ đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu quân đội ở Hàn Quốc. xây dựng căn cứ quân sự lớn Humphreys thuộc tỉnh Pyeongtaek, nằm cách Seoul 55 dặm về phía nam và cách Khu Phi quân sự 85 dặm. Quy mô của Tập đoàn quân này sẽ được mở rộng gấp 3 lần, lên tới 1455 ha, sẽ bao gồm nơi ăn, ở của binh lính, các sở chỉ huy, bãi đỗ xe và trường bắn, cùng với 35.000 thành viên gia đình quân nhân sẽ đến đây.

Theo tờ Militarytimes ngày 10/4/2009 cho biết, Mỹ sẽ bắt đầu xây dựng 01 căn cứ Hải quân Lục chiến mới trên đảo Guam vào năm 2010, dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2014, với tổng chi phí khoảng 10.3 tỉ USD. Nhằm di chuyển khoảng 17.000 lính Hải quân Lục chiến cùng gia đình của các binh lính này từ căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản tới đảo Guam, nằm trong kế hoạch điều động và bố trí binh lực của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ tiếp tục xúc tiến việc xây dựng các công trình cho Không quân, Hải quân và Lục quân sau khi căn cứ Hải quân Lục chiến hoàn tất vào năm 2014. Theo chương trình xây dựng của Bộ Quốc phòng, sau năm 2014 Mỹ sẽ xây dựng các công trình bảo đảm cho 3000 quân thuộc các đơn vị như Tác chiến Không quân, Tình báo, Trinh sát và đảm bảo cho 600 quân thuộc lực lượng tác chiến tên lửa đạn đạo và 01 cầu cảng cho các tàu hậu cần.

Kế hoạch Quốc phòng Bốn năm một lần 2006 - lộ trình 20 năm của Quân đội Mỹ - đã đưa ra kế hoạch đến năm 2010 sẽ bố trí 60 % lực lượng tàu ngầm tấn công tại Thái Bình Dương và 40 % tại Đại Tây Dương. Theo Hải quân Mỹ thì trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh 60 % lực lượng tàu ngầm tấn công được bố trí ở Đại Tây Dương, sau Chiến tranh Lạnh thì lực lượng này đã được cân bằng 50-50.

Ngày 03/4/2009, Tàu ngầm tấn công USS Jacksonville lớp Los Angeles đã cập cảng Trân Châu Cảng ở Hawaii. Ngày 13/5, tàu ngầm USS Hawaii đã rời Căn cứ Tàu ngầm Hải quân ở Groton, bang Connecticut và đã tới Trân Châu Cảng trong tháng 7, và là tàu ngầm lớp Virginia đầu tiên có căn cứ tại Trân Châu Cảng và tiếp đó là tàu USS Taxas.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2009, sau khi tàu ngầm USS Hawaii và USS Texas đến Trân Châu Cảng, sẽ có 31 trong tổng số 53 chiếc tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ sẽ có căn cứ chính ở Thái Bình Dương và 22 chiếc khác sẽ có căn cứ chính ở Đại Tây Dương.

Quốc gia khác như Ấn Độ, Úc và Nga cũng đều đang tìm cách tăng cường khả năng cho Hải quân và hiện đại hóa quân đội của mình.

Hiện nay Ấn Độ đã có 02 tàu sân bay, sẽ đóng mới 03 tàu khác; ngày 26/7, Ấn Độ đã hạ thủy tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên và trở thành một quốc gia sở hữu bộ ba hạt nhân chiến lược. Tiếp đó, ngày 04/8, Ủy ban An ninh Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt một hợp đồng mua 5 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Kamov-31 của Nga với trị giá khoảng 9,5 tỷ rupi. Đây là một phần trong tham vọng trang bị tới 800 máy bay trực thăng với giá trị trên 200 tỷ rupi cho quân đội Ấn Độ trong vài năm tới.

Hải quân Nga với một chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất có thể hoạt động, vừa điều chỉnh chủ trương chỉ chú trọng đóng các tàu chiến cỡ vừa, sẽ đóng 5-6 tàu sân bay trong các năm 2012-2013.

Úc nằm ở nam Thái Bình Dương cũng đã cảm thấy sức ép chạy đua Hải quân, đầu tháng 5 vừa rồi công bố sách trắng quốc phòng cho giai đoạn đến năm 2030 sẽ chi 44 tỉ USD hiện đại hóa quốc phòng, mua thêm các tên lửa hành trình, tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm lên 12 chiếc và 03 tàu phóng lôi, 08 tàu chiến mới trọng tải 7.000 tấn. Mục tiêu là xây dựng quân đội nhỏ nhưng tinh nhuệ, trang thiết bị hiện đại để đóng vai trò hàng đầu trong vùng biển lân cận nam Thái Bình Dương.

Trước sự chạy đua vũ trang và gia tăng các hoạt động trong khu vực của Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia khác lân cận. Các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Indonesia cũng bắt đầu có các dấu hiệu hiện đại hóa quân đội và là những quốc gia được coi là đang dẫn đầu cuộc hiện đại hóa Hải quân trong khu vực, tuy nhiên vẫn chưa đủ khả năng tự chủ về công nghệ quân sự.

Cho tới hiện nay, mới chỉ có MalaysiaSingapore sở hữu hạm đội tàu ngầm. Malaysia đã đặt mua 02 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp, hiện đã chính thức chiếc tàu đầu tiên. Ngày 23/7, Hải quân Hoàng gia Malaysia tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét đóng mới một đội tàu tuần tra 06 chiếc nhằm tăng cường sức mạnh cho Hải quân.

Singapore trong một số năm gần đây cũng đã bắt đầu củng cố lực lượng Hải quân của mình, hiện có một hạm đội tàu ngầm. Tháng 8/2008, Singapore đã nhận đủ 6 chiến hạm tàng hình từ pháp mang tên RSS Formidable (68), RSS Intrepid (69), RSS Steadfast (70), RSS Tenacious (71), RSS Stalwart (72) và RSS Supreme (73). Các chiến hạm này được phát triển dựa trên mẫu tàu La Fayette của Pháp.
Lan Hương (Tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới