Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Quê Hương -Tình Người"- Sưởi ấm lòng bà con cộng đồng


Đó là Chương trình ca nhạc từ thiện hát nhạc Trịnh Công Sơn do các nghệ sĩ đến từ Việt Nam và CHLB Đức biểu diễn phục vụ bà con cộng đồng người Việt tại khu vực Frankfurt vào ngày 7 tháng 12, nhằm mục đích quyên góp, ủng hộ giúp đỡ trẻ em bị tật nguyền do nhiễm chất độc màu da cam.

Các nghệ sĩ Thủy Tiên, Thế Vinh, Thanh Hải và Richard Fuller đã thể hiện rất thành công các nhạc phẩm như: Xin cho tôi, Biển nhớ, Muôn trùng biển ơi, Ngụ ngôn mùa đông, Chiều trên quê hương tôi, Diễm xưa, Sóng về đâu, Em còn nhớ hay em đã quên, Giọt lệ thiên thu… Các ca sĩ, nghệ sĩ đã thực sự mang lại cho khán giả ở Frankfurt một cảm giác ấm lòng, gợi lại nỗi niềm xao xuyến, nỗi nhớ quê hương, đất nước da diết mỗi khi Tết đến Xuân về. Những cảm giác lạnh giá do mùa Đông của châu Âu mang lại bỗng biến đi đâu, chỉ còn là sự ấm áp, là tình cảm, là tình thương giữa những con người có cùng dòng máu đất Việt. Điều đó thực sự là một món ăn tinh thần vô cùng to lớn, đưa mọi người xích lại gần nhau trong nỗi nhớ quê nhà.

Tại đêm nhạc, bà con không chỉ được nghe những ca khúc với chất giọng chất chứa những suy tư, trầm lắng của ca sĩ Thủy Tiên, mà bà con còn dành cho chị nhiều tình cảm hơn, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe chị kể về số phận không được ưu ái của chị. Năm 4 tuổi mắc phải căn bệnh Sỹ Tổ Mả, chị đã không nói được và đã phải trải qua chín lần phẫu thuật, hậu quả là gương mặt không tròn vẹn, nhưng Thủy Tiên vẫn lạc quan, tập nói, tập hát bằng cách khum người vào lu nước nghe chính tiếng vọng của mình để tự sửa chữa. Rồi một ngày chị cất vang tiếng hát, và tham gia vào một số chương trình ca nhạc. Năm 2005, chị đã đoạt giải nhất "Tiếng hát nhạc Trịnh Công Sơn" tại hội quán Hội Ngộ Bình Quới, Tp.HCM.

Tiếng pháo tay tưởng chừng như không bao giờ ngừng trong hội trường sau khi nghệ sĩ guitar Nguyễn Thế Vinh kết thúc ca khúc Hạ trắng. Với một tay duy nhất, anh vừa đánh đàn, vừa thổi kèn Amonica. Hình ảnh của anh là một tấm gương về nghị lực, về ý chí kiên cường vượt lên số phận đau thương để làm cho cuộc đời này có ý nghĩa. Thế Vinh mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ hồi nhỏ, năm lên 8 tuổi anh bị một tai nạn và phải vĩnh viễn rời xa một cánh tay của mình. Qua tiếng đàn guitar réo rắt, da diết, hoà chung tiếng Amonica trầm buồn, những nỗi niềm mất mát, đau thương của thân phận con người trong ca khúc của Trịnh Công Sơn được diễn đạt với sự đồng cảm cao nhất. Niềm tự hào về anh như càng được nhân lên gấp bội khi bà con cộng đồng còn được biết, bên cạnh các hoạt động văn nghệ, Thế Vinh vẫn đang tận tụy với vai trò “thầy giáo” cho những học sinh tại tỉnh Bình Dương, một ước mơ mà anh đã ấp ủ từ khi còn là cậu học trò nghèo nơi mảnh đất đầy nắng, gió và cát bụi của tỉnh Bình Thuận.

Góp mặt cho sự thành công của đêm ca nhạc còn có sự đóng góp to lớn của nghệ sĩ Thanh Hải - người vừa là bạn ngoài đời, vừa là bạn hát của Trịnh Công Sơn. Thanh Hải hiện đang định cư tại Đức và luôn có mặt trong những đêm nhạc của Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn do bà con kiều bào tổ chức. Điển hình cần phải kể đến đó là nghệ sĩ Richard Fuller, anh mê nhạc Trịnh ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam năm 1969 với tư cách là nhân viên tình nguyện của Mỹ. Cho đến nay sau nhiều lần đi và ở lại Việt Nam, nhạc Trịnh đã ngấm vào tâm hồn của anh. Anh tìm thấy niềm hạnh phúc khi cất tiếng hát những ca khúc này. Trong chuyến đến châu Âu lần này, Richard Fuller đã tự chi trả các chi phí cho chuyến lưu diễn của anh để cùng đi vận động và tham gia chương trình. Và cũng chính anh đã dịch các bài hát sang tiếng Anh, chiếu lên màn hình để khán giả nghe nhạc là người Đức cũng có thể hiểu được phần nào nội dung các ca khúc được biểu diễn.

Được biết, chương trình "Quê Hương -Tình Người" do Hội Bảo trợ Trẻ em nhiễm Dioxine Việt Nam tại Pháp (VNED), Ủy ban Tương trợ người Việt Nam (VSW e.V.) và Hội Vovinam tại CHLB Đức kết hợp tổ chức. Hội VNED được thành lập năm 2001 tại Pháp với mục đích giúp đỡ các trẻ em khuyết tật nạn nhân chất độc da cam và gia đình vượt qua khó khăn vật chất và tinh thần để hòa nhập xã hội, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các em để phẫu thuật tim, chỉnh hình… Hiện nay Hội đang bảo trợ cho 157 cháu (với mức tài trợ 184 €/năm/cháu) và phát học bổng cho 112 cháu (100 €/năm/cháu) tại 21 tỉnh ở Việt Nam, từ Bắc đến Nam.

Chương trình văn nghệ "Quê Hương -Tình Người" là một tour diễn của các nghệ sĩ tại châu Âu, trong đó có 7 điểm lưu diễn tại Pháp và 3 điểm tại Đức. Toàn bộ số tiền thu được được quyên góp tới hội VNED để giúp đỡ cho các ca phẫu thuật thực hiện trong năm 2009 của trẻ em là nạn nhân dioxine tại Việt Nam. Thông tin về hội VNED và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, xin mời truy cập tại website: www.vned.org .

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới