Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Nước Mỹ sẽ không còn dọa nạt các nước khác?

"Người Mỹ chọn Obama vì đó là hiện thân của sự thay đổi. Họ muốn thay đổi hướng đi, muốn thế giới nhìn nhận lại nước Mỹ. Cách Obama tiếp cận với thế giới trước hết là lắng nghe, học hỏi rồi mới ra quyết định và tiến dần từng bước. Nước Mỹ sẽ không doạ nạt các nước khác nữa, sẽ không nói với phần còn lại của thế giới rằng “hoặc theo ta, hoặc chống ta” nữa." - Hiệu trưởng trường Truyền thông ĐH Boston Tom Fiedler nhận định.

Ông Tom Fiedler và nhà báo Nguyễn Anh Tuấn trong cuộc trực tuyến
Ảnh: Lê Anh Dũng


Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:
- Thưa quý độc giả, ông Tom Fiedler, Hiệu trưởng trường Truyền thông ĐH Boston, đã có mặt tại VietNamNet. Như chúng tôi đã giới thiệu, ông Fiedler là một nhà báo lớn của Mỹ, từng là Tổng biên tập tờ báo Miami Herald. Ông cũng là tác giả đề tài nghiên cứu rất mới tại Trung tâm Shorenstein ĐH Harvard về chủ đề Internet đã thay đổi bầu cử Mỹ ra sao.

Chào mừng ông đến với Việt Nam. Độc giả của VietNamNet đang rất nóng lòng muốn nghe ông nói. Ông có thể nói một điều gì đó với họ?

Ông Tom Fiedler: Tôi rất vinh dự được nhà báo Nguyễn Anh Tuấn mời đến đây trực tuyến với các bạn, vinh dự được làm bạn của ông từ khi chúng ta gặp nhau tại Trung tâm Shorenstein trường ĐH Harvard. Tôi rất ngưỡng mộ những gì anh đã làm được với VietNamNet, những gì VietNamNet đang làm cho công chúng Việt Nam.

Tôi muốn nói với các độc giả rằng tôi rất vui được đến đây. Tôi đã có một sự nghiệp báo chí khá vẻ vang như các bạn đã biết, và bây giờ tôi đang là Hiệu trưởng Trường Truyền thông ĐH Boston. Đó cũng là nơi tôi đã học để lấy bằng báo chí của tôi.

Tôi đã có 36 năm làm báo và rất may mắn được tham gia đưa tin về các chiến dịch tranh cử Tổng thống từ năm 1972 đến năm 2000, với tư cách là phóng viên và sau đó là biên tập viên chính trị.

Tôi đã làm phóng viên đưa tin về Nhà Trắng trong 4 năm, khi Tổng thống Carter đang đương chức. Sau đó tôi trở thành người đứng trang phụ trách một số trang nhận định, bình luận. Đến năm 2001 thì tôi trở thành Tổng Biên tập và giữ chức vụ này cho đến khi tôi đến Harvard.

Obama là một người có thái độ cầu thị trong các chính sách và đối với phần còn lại của thế giới.

Và giờ tôi lại trở về với nơi tôi đã bắt đầu ở trường ĐH Boston, có khác là giờ đây tôi có cơ hội được truyền đạt lại cho những sinh viên trẻ tuổi những điều mình đã học qua rất nhiều năm làm báo.

Sẽ thấy một Obama lắng nghe và học hỏi thế giới

- Quay trở lại với chủ đề nóng - cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Không chỉ ở Mỹ và trên khắp thế giới, người ta rất quan tâm đến những chiến dịch tranh cử và các cuộc bỏ phiếu. Ông có thể bình luận gì về sự kiện này?

Đây là một cuộc bầu cử mang tính lịch sử về rất nhiều khía cạnh khi nước Mỹ bầu ông Barack Obama làm Tổng thống của mình. Nước Mỹ đã gửi một thông điệp đến phần còn lại của thế giới rằng đã có một sự thay đổi rất lớn ở nước Mỹ, và sẽ có những thay đổi lớn, tôi nghĩ là những thay đổi tích cực.

Barack Obama rất khác so với những gì chúng ta thấy ở George W. Bush, về quan điểm, về triết lý, nói chung là cách tiếp nhận và xử lý thông tin. Bản thân điều đó đã khác lắm rồi và các bạn sẽ thấy những chính sách rất khác của Nhà Trắng dưới thời Barack Obama.

Nhưng điều quan trọng hơn cả mà chúng ta có được từ sự thay đổi trong chính trị này là một thông điệp rất mạnh mẽ mà nước Mỹ gửi đến thế giới, một thông điệp về chính nước Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Mỹ đã bầu một người không phải là da trắng, một người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi làm Tổng thống. Đó thực sự là một thay đổi ngoạn mục, và nó ngay lập tức thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người trên thế giới về nước Mỹ. Tôi một lần nữa nhấn mạnh đó là một sự thay đổi rất tích cực.

Tính lịch sử của nó thể hiện ở hai mặt, có thể chúng ra sẽ nói kỹ hơn sau. Nó mang tính lịch sử ở cách tiến hành chiến dịch tranh cử và công nghệ đã trở nên quan trọng như thế nào. Chúng ta đã nhìn thấy sự khởi đầu cho cách tranh cử mới ở Mỹ từ nay về sau.

- Chúng ta có thể phân tích rất nhiều khía cạnh trong chiến dịch tranh cử của ông Obama. Ông nhận xét như thế nào về những chính sách và chiến lược trong chiến dịch tranh cử của ông Obama? Điều gì khiến ông ấn tượng nhất và ông đánh giá điều đó ra sao?

Có rất nhiều điều ấn tượng về chiến dịch tranh cử của ông ấy và tất cả đã phối hợp với nhau. Nhưng tôi nghĩ điều đọng lại trong tâm trí của rất nhiều người Mỹ về ông Obama là một người có thái độ cầu thị trong các chính sách và đối với phần còn lại của thế giới.

Không giống như ông Bush, một người luôn có khuynh hướng sốt ruột muốn sử dụng sức mạnh, cách mà Barack Obama tiếp cận với thế giới trước hết là lắng nghe, học hỏi rồi mới ra quyết định và tiến dần từng bước. Đó thực sự là một cách thể hiện rất khác mà thế giới đã được chứng kiến. Nước Mỹ sẽ không doạ nạt các nước khác nữa, sẽ không nói với phần còn lại của thế giới rằng “hoặc theo ta, hoặc chống ta” nữa. Chúng tôi muốn đối thoại, muốn học hỏi từ các bạn và chúng ta sẽ cùng nhau tiến bộ.

Chính người Mỹ muốn thay đổi hướng đi

- Nhiều người cho rằng ông Obama thắng là nhờ đảng Cộng hoà quản lý kinh tế quá kém dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Nếu không có cuộc khủng hoảng này, rất có thể ông John McCain đã thắng hoặc ít nhất ông Obama cũng không thể thắng một cách dễ dàng? Điều này có đúng không?

Tôi nghĩ chúng ta cần quan sát một cách chính xác hơn. Ông Obama đã hưởng lợi từ thực tế rằng phần đông người dân Mỹ muốn có sự thay đổi, thậm chí cả trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Họ đều nhận thấy rằng đất nước mình đang đi sai hướng, và lý do chủ yếu liên quan đến Iraq. Mới đầu chỉ là một số ít người, nhưng sau đó, khoảng 2 năm trước đây, phần lớn cử tri Mỹ đã cùng có chung một kết luận rằng Iraq là một sai lầm nghiêm trọng.

Thậm chí nhiều người cho rằng đó không chỉ là một sai lầm, mà tệ hơn là ngay từ đầu, Tổng thống Bush đã lừa dối người Mỹ để lao vào cuộc chiến này. Vì thế, rất nhiều người Mỹ muốn có một sự thay đổi trong hướng đi của chính quyền. Chính điều đó đã đem đến khó khăn lớn cho bất cứ ai của đảng Cộng hoà muốn tranh cử Tổng thống. Đồng thời điều đó tạo ra cơ hội cho Barack Obama tự giới thiệu mình với người Mỹ.

Khủng hoảng kinh tế mãi đến mùa hè này mới thực sự tác động. Và đến thời điểm đó thì chiến dịch tranh cử của ông Obama đã rất thành công rồi. Lúc này cuộc khủng hoảng chỉ còn là điểm mốc để kết thúc cuộc chơi. Trong hai tháng cuối cùng ông McCain thực sự chẳng thể làm được gì nhiều. Vì vậy điều mang tính quyết định chính là việc người Mỹ muốn thay đổi hướng đi.

- Cách đây chưa lâu, ông trùm truyền thông Mudorch nói rằng nếu Obama thắng cử sẽ là thảm họa cho nền kinh tế Mỹ. Bây giờ Obama đã đắc cử. Ông có bình luận gì?

Đây là câu chuyện rất thú vị. Ông Mudorch đã rất cởi mở để nói rằng nước Mỹ sẽ gặp chịu thiệt hại nếu Obama đắc cử Tổng thống, và lí do cho việc đó là thái độ phản đối tự do thương mại của Obama ví dụ như việc phủ nhận Hiệp định NAFTA, xem lại các mối quan hệ thương mại quốc tế...

Trước hết, tôi cho rằng điều này sẽ không xảy ra. Ông Obama sẽ quan tâm đến việc làm thế nào để tăng giao thương nhiều hơn, bởi tăng thương mại đồng nghĩa với tăng việc làm. Hơn nữa, trong đời sống chính trị, chính trị gia có thể nói những điều mà thực sự ý của anh ta không phải như vậy. Mudorch là ông chủ của Fox News, và Fox News lại ủng hộ đảng Cộng hòa của John McCain, nên điều ông Mudorch nói chưa hẳn đã là chỉ trích cá nhân của ông với Obama mà phải lắng nghe nó trong không gian của Fox News. Và điều Obama có thể phúc đáp là, câu nói của ông Mudorch là có thể dự đoán được, bởi ông là người của Fox News, và mọi việc vẫn tiếp diễn, không có vấn đề gì ghê gớm.

- Ông nhận xét thế nào về bài phát biểu của ông Obama trước người dân Mỹ và trước thế giới sau khi giành chiến thắng?

Bài diễn văn của ông Obama đêm đó thực sự là một bài diễn văn nghiêm túc và chứa đựng những thông điệp hay. Không hề có sự tung hô hay khoe khoang hay cười cợt đối thủ, ông ấy đã rất nghiêm túc khi nhắc nhở rằng khó khăn vẫn còn chờ phía trước, khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết dân tộc.

Kết quả của cuộc bầu cử thật ra chênh lệch rất nhỏ, khoảng 5-10% thôi. Vì vậy ông Obama sẽ không thể điều hành chính phủ thành công nếu chỉ dựa vào lợi thế không quá lớn về số ghế trong Quốc hội của đảng Dân chủ. Điều ông ấy muốn làm chính là tạo cảm tình với cả những người đã bầu cho John McCain rằng ông sẽ lắng nghe cả họ nữa, rằng ông tôn trọng họ.

Thông điệp đó đã được truyền đi trong đêm đó, và một lần nữa tôi nhấn mạnh, đó là một bài phát biểu rất nghiêm túc và đầy tôn trọng.

- Còn bài phát biểu của ông McCain thì sao?

Tuyệt vời. Bài phát biểu của ông McCain là một bài phát biểu rút lui. Trước đó, ông đã gọi điện thoại chúc mừng ông Barack Obama. Và chắc anh còn nhớ, khi ông ấy nói với những người ủng hộ mình rằng ông đã gọi điện chúc mừng đối thủ, họ đã la ó, nhưng ông ấy đã ngăn họ lại và nói với họ rằng đã đến lúc cần đoàn kết lại.

Trong bài phát biểu đó, ông McCain đã rất lịch thiệp, và đó chính là John McCain mà người ta đã biết trước đó, trước khi ông ấy tranh cử Tổng thống. Ông ấy cũng đã bày tỏ tinh thần sẵn sàng hợp tác với đảng Dân chủ và ông Barack Obama trong những khó khăn mà nước Mỹ và thế giới đang phải đối mặt. Điều tốt chính là một cuộc bầu cử đầy sự đối đầu và căng thẳng đã kết thúc một cách rất tích cực như vậy.

- Vậy ông có cho rằng nước Mỹ và thế giới sẽ thay đổi nhiều với một Tổng thống Mỹ mới?

Tôi không biết liệu thế giới có thay đổi không nhưng tôi nghĩ rằng nhận thức của người Mỹ sẽ thay đổi, hay ít nhất phần còn lại của thế giới cũng sẽ bình tâm và xem xét lại cách nhìn nhận của họ đối với nước Mỹ. Khi nước Mỹ sẵn sàng bầu một người Mỹ gốc Phi làm Tổng thống, điều đó rất đáng kể, nhưng anh có thể tưởng tượng được tác động của nó đến châu Phi. Châu lục đen quá đỗi tự hào khi thấy Obama đắc cử và điều đó hiển nhiên sẽ cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước châu Phi.

Và cũng có những tác động tương tự đối với các quốc gia Hồi giáo. Tên đệm của ông Obama là Hussein. Điều đó khiến người Hồi giáo nghĩ rằng, Obama, dù là một người Thiên chúa giáo chứ không phải người Hồi giáo, vẫn có thể hiểu thế giới đạo Hồi vì cha ông là một người Hồi giáo. Điều đó rất quan trọng.

Và ông Obama cũng đã từng sống ở Indonesia khi còn nhỏ. Điều đó có nghĩa là ông ấy đã tiếp xúc với một nền văn hoá khác, nó có tác động đến suy nghĩ của ông ấy, và cũng ảnh hướng đến cách những quốc gia, những con người, những phần thế giới này, nhìn ông ấy và nhìn nước Mỹ.

Ông có thể thấy gần như ngay lập tức có một sự thay đổi trong cách nghĩ của thế giới về điều mà nước Mỹ đại diện và điều mà người Mỹ tin tưởng, chỉ nhờ có cuộc bầu cử này. Đó là một điều rất tích cực mà tôi hy vọng sẽ tiếp tục.

Chúng ta không nên sợ hãi điều gì ngoài sự sợ hãi!

- Đó là dấu hiệu tích cực cho đối ngoại. Thế còn kinh tế thì sao, ông có nghĩ là khủng hoảng tài chính sẽ kết thúc và nước Mỹ sẽ phục hồi không?

Không, tôi nghĩ chúng ta không thể chấm dứt ngay lập tức cuộc khủng hoảng này, nó quá sâu rộng và ảnh hưởng đến quá nhiều vấn đề trong nền kinh tế. Nhưng cuộc bầu cử này sẽ ảnh hước đến lòng tin của công chúng, khi công chúng có niềm tin vào tương lai vì họ tin tưởng rằng ông Obama sẽ làm những việc đúng đắn, thì họ sẽ sẵn sàng làm những việc như mua nhà, mua sắm và nếu anh là một doanh nhân, anh sẽ đầu tư nhiều hơn và đầu tư sẽ kéo nền kinh tế đi lên.

Tổng thống Roosevelt đã từng lãnh đạo nước Mỹ trong thời kỳ đại suy thoái và ông đã nói với người dân rằng “Chúng ta không nên sợ hãi điều gì ngoài sự sợ hãi”. Ý ông là chừng nào chúng ta còn sợ hãi thì chúng ta sẽ không thay đổi, không tiến bộ được. Vì vậy hãy gạt bỏ sợ hãi và hy vọng rằng mọi điều sẽ tốt đẹp.

- Nghĩa là ông cho rằng Obama đã đem đến thông điệp về niềm hy vọng cho người dân Mỹ như Tổng thống Roosevelt đã từng làm. Vậy ông ấy sẽ nói gì?

Khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử của ông ấy là “Sự thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng”. Có thể thấy thông điệp của khẩu hiệu này là: sự thay đổi chính là một tương lai tốt đẹp, và nếu bạn tin vào tương lai tốt đẹp đó, bạn sẽ bắt đầu hành động để biến nó thành sự thật.

Quan hệ Việt - Mỹ sẽ phát triển và mở rộng nhanh chóng

- Có một câu hỏi rất ấn tượng của một độc giả. Đó là tuần trước, khi Hà Nội đang bị mưa ngập rất nghiêm trọng, ông Obama đã gửi thông điệp chia sẻ với chúng tôi, rất thân thiện. Ông có cho rằng Obama sẽ xây dựng mối quan hệ tốt với Việt Nam và các nước Đông Nam Á?

Tôi không nghi ngờ rằng ông ấy sẽ theo đuổi một mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam như Tổng thống Bush đã làm và ông McCain sẽ làm nếu đắc cử. Mối quan hệ Việt - Mỹ đang rất tích cực kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao dưới thời Tổng thống Clinton. Tôi nghĩ mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng nhanh chóng.

Sự chia sẻ của ông Obama với người dân Hà Nội trong trận lụt vừa rồi cho thấy ông ấy rất quan tâm đến những chuyện xảy ra trên thế giới, và ông ấy đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những việc mà Tổng thống Mỹ có thể giúp đỡ những nơi cần giúp đỡ. Nếu đội ngũ nhân viên của ông ấy không thông báo và giải thích cho ông ấy vấn đề này, chúng ta sẽ thấy lặp lại một sai lầm mà Tổng thống Bush đã mắc phải khi cơn bão Katrina tàn phá New Orleans năm 2005. Khi đó ông Bush đã quá chập chạp, thậm chí còn không nói được gì.

Không chỉ là khẩu hiệu, bản thân Obama là hiện thân của sự thay đổi


Và khi ông ấy nói được điều gì đó thì nó lại quá xa vời so với tình hình thực tế. Ông ấy đã ca ngợi chính phủ đã làm rất tốt công tác cứu trợ trong khi thực tế khác hẳn. Hình ảnh của ông ấy đã bị tổn hại rất nhiều nhất là với những người biết rõ rằng ông ấy chả hiểu điều gì đang diễn ra. Tôi nghĩ Obama đã rút ra được bài học và tự đảm bảo rằng mình luôn được thông tin đầy đủ về những nơi, những người cần được nước Mỹ giúp đỡ.

Bản thân Obama là hiện thân của sự thay đổi

- Thêm một câu hỏi của độc giả. Người Mỹ có cách đánh giá con người rất khác nhau, và họ cũng rất thực dụng, nhưng với khẩu hiệu “Sự thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng” đã thuyết phục được họ? Ông Obama đã làm thế nào để khiến người dân tin tưởng mình đến vậy?

Đó cũng là thách thức lớn nhất của ông Obama, làm thế nào để thuyết phục người dân. Họ biết là họ cần sự thay đổi, nhưng điều quan trọng là ai có thể đem lại đúng sự thay đổi mà họ muốn. Ở giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, khi Hillary Clinton và Barack Obama tranh luận về việc ai có đủ kinh nghiệm để đem lại sự thay đổi.

Bà Clinton đã nói là bà sẵn sàng đem lại sự thay đổi ngay từ ngày đầu tiên vì bà rất có kinh nghiệm. Đến giai đoạn tổng tuyển cử, ông McCain cũng nói rằng chúng ta cần thay đổi, rõ ràng nước Mỹ cần thay đổi, và tôi có kinh nghiệm, tôi đã đem lại sự thay đổi. Vậy là cả hai ứng cử viên đều nói họ ủng hộ sự thay đổi và câu hỏi đặt ra là ông Obama có kinh nghiệm gì để có thể thực sự đem lại sự thay đổi không.

Vấn đề là ông Obama không chỉ nói về sự thay đổi mà bản thân ông ấy chính là đại diện cho sự thay đổi. Điều gì có thể thay đổi lớn hơn việc một người Mỹ gốc Phi trở thành Tổng thống Mỹ. Ông McCain cũng có thể nói về sự thay đổi, nhưng bản thân ông lại không đại diện cho sự thay đổi nào cả. Ông ấy lớn tuổi và là người da trắng, trông ông ấy không hề mang tính thay đổi đối với đa phần người Mỹ. Vì vậy đối với nhiều người Mỹ, nhất là những cử tri trẻ tuổi, Obama không những nói về sự thay đổi mà trông ông cũng rất mang tính thay đổi. Chính điều đó đã tạo ra sự khác biệt.

Không triệt để nhưng sẽ tạo thay đổi ở Trung Đông

- Sau mấy chục năm chưa tìm được lời giải, với Tổng thống Obama, liệu nước Mỹ có thể tìm ra giải pháp xử lý vấn đề Trung Đông vốn phức tạp và đau đầu?

Tôi nghĩ sẽ có cơ hội mới để thử và tìm giải pháp vì Obama là khác biệt. Thế giới Hồi giáo và khu vực Trung Đông nói chung có thể cởi mở hơn trong tiếp xúc với Obama, điều đã không có được dưới thời của Bush. Điều làm tổn thương nước Mỹ chính là việc nước Mỹ đã không có được đàm phán và hòa bình giữa Israel và Palestin, bởi nước Mỹ thiếu độ tin cậy. Người Palestine không tin rằng nước Mỹ có một cách tiếp cận công bằng để đưa lại một hiệp ước bình đẳng cho họ. Một trong những lí do chính là việc Tổng thống Bush đã tuyên bố Hebola là lực lượng khủng bố.

Muốn tạo hòa bình cho Trung Đông thì trước hết phải đạt được hiệp ước hòa bình giữa Israel và người Palestine, và Mỹ phải là nhà môi giới trung thực (honest broker). Vào thời điểm này, họ đang đánh giá Obama có vẻ sẽ là một nhà môi giới trung thực hơn là chính quyền Bush. Đó là cơ hội. Nhưng lịch sử luôn phức tạp và người ta viện dẫn rất nhiều lí do để bao biện, như việc bản thân các nước không tận dụng cơ hội khi cơ hội đến. Và tôi không biết điều gì là sự thật. Hi vọng đến lúc sẽ có một sự thay đổi nào đó diễn ra.

- Nghĩa là không thể có sự thay đổi nhanh chóng và triệt để nhưng có thể trông đợi vào một sự thay đổi?

Đúng vậy. Sẽ là một kế hoạch dài hạn. Đã hơn 60 năm và lịch sử vẫn còn quá phức tạp đối với vùng đất này, xung đột ngày càng sâu sắc.

- Với nước Nga thì sao? Khi mà Mỹ và Nga đang có nhiều căng thẳng với nhau, Obama sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?

Đây là một câu hỏi hay. Ông Obama đã làm một điều đúng và mang tính ngoại giao với tư cách là một Tổng thống khi gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Medvedev hôm qua. Đó là một dấu hiệu cho thấy ít nhất cũng có sự đối thoại cởi mở giữa hai nước. Điều ông Obama tin tưởng chính là với những người bất đồng với mình, trước hết cần đối thoại với họ chứ không phải đe doạ họ.

  • Tuần Việt Nam

Phần tiếp: Nhờ Internet, nước Mỹ sẽ có một Tổng thống độc lập hơn

Với việc tận dụng công nghệ mới, Obama đã tạo nên vị thế độc lập hơn cho chính mình, giảm sức ép từ các nhóm lợi ích. Vai trò của đảng phái và báo giới trong bầu cử Mỹ đang được tái định vị và sẽ mờ nhạt đi. Một xu hướng mới cho bầu cử Mỹ đã bắt đầu với tân Tổng thống vừa đắc cử Barack Obama. - ông Tom Fiedler, Hiệu trưởng trường Truyền thông, ĐH Boston (Mỹ) nói.

Tin:VN Net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới