Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Bảy

Hướng đến cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015

ASEAN lần thứ 14 đã diễn ra trong 3 ngày, từ 27/2 đến 1/3/2009, tại khu du lịch nghỉ dưỡng Cha-Am Hua Hin thuộc tỉnh Phetchaburi, Thái Lan. Với chủ đề “Một hiến chương ASEAN vì các dân tộc ASEAN”, hội nghị đã diễn ra trong không khí cả khối quyết tâm thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm tăng cường sức mạnh đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động nhiều mặt đến các nền kinh tế trong khu vực.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo khối đã tập trung thảo luận về nhiều vấn đề cấp bách của khối cũng như những vấn đề toàn thế giới quan tâm, trong đó cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đang tác động mạnh đến các nền kinh tế trong khu vực.

Nhìn chung, hội nghị đã thành công với việc ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác về kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, năng lượng, cả trong lẫn ngoài khối. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị, 27/2, hàng loạt văn kiện quan trọng về hợp tác kinh tế với các đối tác ASEAN+1 và ASEAN+3 đã được ký kết, trong đó bao gồm những hiệp định về thương mại giữa ASEAN với Hàn Quốc và việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand.

Việc hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand có tầm quan trọng nhất định đối với khối trong việc mở rộng khu vực hợp tác kinh tế, đánh dấu ASEAN đang dần lớn mạnh, đang dần trở thành tâm điểm chú ý của thế giới không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh, chính trị và văn hóa - xã hội.

Thành công quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 là việc ký kết Tuyên bố Cha-Am Hua Hin về lộ trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN từ nay đến năm 2015. Đây là mục tiêu quan trọng được nêu trong Hiến chương ASEAN.

Theo trang web của hội nghị, việc xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên nguyên tắc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khối, là Cộng đồng An ninh - chính trị, Cộng đồng Văn hóa - xã hội, và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hiện tại, khối ASEAN đã có một Hiến chương (có hiệu lực từ tháng 12/2008 sau khi đã hội đủ chữ ký phê chuẩn của 10 nước thành viên) để làm cơ sở pháp lý hình thành một cộng đồng tương tự như châu Âu.

ASEAN cũng đã có một bài hát chung (tương tự như quốc ca), một lá cờ chung (mang biểu tượng 10 nhành lúa bó chặt lại), và một khẩu hiệu chung là “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng). Các bước đi cụ thể đầu tiên của lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã bắt đầu từ ngày 26/2 với việc ký kết 6 thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN.

Đó là các thỏa thuận về đầu tư toàn diện, về tự do hành nghề y dược, tự do hành nghề nha và tự do hành nghề dịch vụ kế toán được xem là những văn kiện quan trọng nhất. Ngoài ra, các bộ trưởng Năng lượng ASEAN còn ký một Thỏa thuận An ninh dầu mỏ ASEAN.

Đây là những cơ sở quan trọng của sự hợp tác toàn khối hướng đến việc hình thành cộng đồng ASEAN, trong đó hàng hóa, dịch vụ, nguồn vốn đầu tư và lao động kỹ thuật cao được tự do lưu thông. Và với dân số 570 triệu người, Cộng đồng ASEAN sẽ là một trong những thực thể kinh tế năng động và là một khu vực có tầm quan trọng về mặt an ninh chung của thế giới.

Ngoài ra, các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước ASEAN cũng đã ký ban hành một số văn kiện quan trọng như: Tuyên bố chung về Thành tựu đạt được theo các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong ASEAN; Kế hoạch làm việc thứ 2 của Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI); và Tuyên bố về an ninh lương thực trong khối ASEAN.

Trong thông cáo báo chí, các lãnh đạo ASEAN cũng đã nêu quan điểm về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chỉ rõ những vấn đề cần tập trung giải quyết và kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế nhằm khắc phục và phòng ngừa khủng hoảng tái diễn.

Các lãnh đạo cũng kêu gọi toàn khối hợp sức hành động để sớm khôi phục các nền kinh tế của các nước thành viên khối đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo mới nhất của Đơn vị Tình báo kinh tế (EIU) của Anh, do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế các nước ASEAN trong năm 2009 này sẽ tiếp tục suy thoái, trong đó Singapore bị ảnh hưởng nặng nhất, nhưng Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục là những nền kinh tế dẫn đầu về tăng trưởng với các dự báo đầy khả quan.

Khủng hoảng kinh tế cũng làm sống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vốn đã bị đẩy lùi trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại. Và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gây rất nhiều khó khăn cho các nước phụ thuộc nhiều vào việc mua bán xuất khẩu hàng hóa với các nước phát triển.

Vì vậy, khẩu hiệu chống bảo hộ mậu dịch cũng được các lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh. “Tôi nghĩ chúng ta phải hết sức chú ý, bằng mọi cách không để cho mình rơi vào tình trạng bảo hộ mậu dịch, vì ASEAN phụ thuộc vào thị trường toàn cầu này” – phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Tính đến nay, các nước ASEAN đã thực hiện thành công việc xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa 10 nước thành viên, giúp cho việc giao thương hàng hóa trong khối tăng mạnh. Trong tuyên bố chung, ASEAN cam kết tiếp tục chống bảo hộ mậu dịch từ nay cho đến năm 2015 và kêu gọi các nước phát triển hãy hành động chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Bên lề Hội nghị, Việt Nam đã tham gia các cuộc họp riêng với các đối tác ngoài khu vực là Australia và New Zealand. Tại các cuộc họp này, Việt Nam đã nhận được các quyết định công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Đây là một thành công nữa của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn của Nhà nước ta khi chọn lựa xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó thể hiện qua thực tế Việt Nam là một trong những quốc gia trong khối ASEAN ít chịu tác động nhất bởi khủng hoảng kinh tế, luôn luôn là nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực


An Châu (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới