Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

6 năm cuộc chiến tại Iraq: Thiệt hại và bất ổn


Quân đội Iraq.

Ngày 20/3/2003, quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành các hoạt động quân sự với Iraq, chiến tranh Iraq chính thức khai hỏa và tính đến nay vừa tròn 6 năm. Trong 6 năm này, thế giới đã chứng kiến quá trình từ khi Saddam Hussein bị lật đổ đến lúc ông này bị bắt và bị xét xử đồng thời cũng nhìn thấy cả cuộc sống vô cùng gian khổ của người dân Iraq.

3 tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, đến cuối tháng 8/2010 Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Iraq, và đến cuối năm 2011 sẽ rút toàn bộ lực lượng đóng ở Iraq.

Đây có thể xem là sự khởi đầu cho việc người dân Iraq nói lời vĩnh biệt với chiến tranh, song người ta vẫn không khỏi lo ngại cho hiện thực và tương lai của người Iraq.

Về kinh tế

Ảnh hưởng mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống của người dân Iraq khó có thể thống kê bằng số liệu bởi đối với người dân Iraq đây là ký ức đau thương nhất trong cuộc đời họ.

Những con số có thể phản ánh hiện trạng của Iraq khiến nhiều người phải suy nghĩ: hiện nay Iraq có 4,8 triệu người tị nạn, trong đó 2 triệu người ở nước ngoài và 2,8 triệu người ở trong nước. Tỉ lệ thất nghiệp trên toàn Iraq từ 23% đến 38%; sản lượng dầu là 2,32 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn so với con số 2,58 triệu thùng mỗi ngày trước khi xảy ra chiến tranh.

6 năm qua, cơ sở hạ tầng của Iraq bị phá hoại nghiêm trọng, đường ống dẫn dầu dài 7.000 km trên toàn quốc cũng bị tổn hại với những mức độ khác nhau. Điều này không những cực kỳ bất lợi cho cuộc sống của người dân, đồng thời còn kìm hãm nghiêm trọng sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế.

Rất nhiều người coi cuộc chiến này là sai lầm lớn nhất trong thời gian cầm quyền của ông Bush. Số tiền mà chính quyền Mỹ chi ra cũng khiến cho người ta phải kinh ngạc. Theo số liệu của tờ USA Today đưa ra, Mỹ đã chi 864 tỉ USD cho chiến tranh Iraq. Một số nhà kinh tế còn dự đoán, tổng chi phí mà Mỹ đã bỏ ra ở Iraq có thể sẽ lên tới 2.000 đến 3.000 tỉ USD.

Về chính trị

Cùng với việc chiến tranh dần dần lắng xuống thì bạo lực ở Iraq lại không hề “lặng lẽ” như người ta vẫn tưởng tượng. Sau cuộc bầu cử hội đồng địa phương Iraq vào cuối tháng 1/2009, các vụ tấn công bạo lực đột nhiên bùng phát trở lại.

Cùng với việc quân đội Mỹ dần dần rút khỏi Iraq, tạp chí Time cho rằng, cuộc tranh giành giữa các đảng phái sẽ quyết định tương lai của nước này. Hiện tại, ở Iraq, lực lượng chính trị chủ yếu là đảng người Shiite, người Sunni và người Kurd. Trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương được tiến hành vào tháng 1 vừa qua, mâu thuẫn giữa 3 đảng phái này càng thể hiện rõ ràng hơn.

Thủ đô Baghdad của Iraq trong cảnh đổ nát.

Nội bộ đảng của người Shiite, Thủ tướng Maliki phải đối mặt với sự cản trở của Hội đồng tối cao Hồi giáo Iraq và phe al-Sadr chống Mỹ; đảng của người Sunni vừa tham gia tái tranh cử tuy đã lấy lại được phạm vi thế lực truyền thống của mình nhưng vẫn có thái độ hoài nghi chính quyền của Thủ tướng Maliki mà đảng người Shiite là chủ lực, vì lo rằng sau khi Mỹ rút quân sẽ bị đàn áp và đồng hóa.

Gần đây, việc thông qua Hiến pháp nhằm tăng cường sự khống chế của chính quyền trung ương mà ông Maliki đề xuất đã vấp phải sự phản đối gay gắt của những người Kurd mong muốn tự trị. Do nguyên nhân đó nên dự thảo nghị quyết về việc tập trung phân phối nguồn tài nguyên dầu mỏ trong nước cũng đã bị kéo dài tới 2 năm.

Về quân sự

Vào tháng 2/2009, Thủ tướng Maliki từng tuyên bố: thời đại Mỹ chiếm địa vị thống trị ở Iraq đã kết thúc, Iraq đang tự nắm giữ vận mệnh của mình. Tuy vậy, hiện nay Iraq vẫn cần tới sự có mặt của quân đội Mỹ.

Khi tuyên bố kế hoạch rút quân, ông Obama còn cho hay sẽ tạm thời giữ lại khoảng 35.000 - 50.000 quân Mỹ và lực lượng này đến trước thời điểm cuối năm 2011 mới được rút đi. Ngoài việc giúp duy trì trật tự an ninh, Mỹ còn đào tạo cho lực lượng an ninh Iraq về trang thiết bị, kỹ thuật tác chiến...

Bên cạnh việc cần phải dựa vào quân đội Mỹ, tổ chức “Ủy ban thức tỉnh” của quân đội phi chính quy của đảng người Sunni cũng là một lực lượng quan trọng. Hiện nay, đội quân này có 90.000 người, có tác dụng quan trọng trong hoạt động tấn công tổ chức Al-Qaeda trên lãnh thổ Iraq.

Kể từ tháng 10/2008, quân đội Mỹ đã chuyển giao quyền quản lý các thành viên của “Ủy ban thức tỉnh” cho Chính phủ Iraq. Hãng tin AFP chỉ ra rằng, chính quyền Iraq hoàn toàn nắm giữ quyền quản lý “Ủy ban thức tỉnh” và đó sẽ là một mốc quan trọng cho việc “Người Iraq cai quản Iraq”.

Do hiện nay đảng người Shiite nắm quyền là chủ đạo trong chính quyền Iraq mà “Ủy ban thức tỉnh” là tổ chức của đảng người Sunni nên sự chỉnh hợp của những lực lượng này có khả năng sẽ thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ Iraq.

Về ngoại giao

Ngoại giao với các nước trong khu vực là những trọng điểm và là nhiệm vụ nặng nề của ngành ngoại giao nước này. Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq (2003) tới nay, quan hệ Mỹ - Iraq ngày càng mật thiết hơn và thường xuyên có các cuộc gặp cấp cao.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki và Tổng thống Iraq Jalal Talabani lần lượt có chuyến thăm Iran, phản hồi lại Iran cũng đã sắp xếp cho Chủ tịch Ủy ban lợi ích quốc gia đồng thời là cựu Tổng thống Iran Rafsanjani thăm Iraq ngay sau đó.

Các nhà phân tích cho rằng, Iraq hy vọng sẽ dựa vào Iran để duy trì sự ổn định của khu vực người Shiite ở phía nam nước này sau khi Mỹ rút quân. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để thắt chặt quan hệ Iraq - Iran.

Trong quan hệ với các nước láng giềng khác, thủ tướng hai nước Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2008 đã có buổi gặp mặt chung. Tổng thống Iraq Jalal Talabani tới đây sẽ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait cũng đã có chuyến thăm Iraq đầu tiên sau 19 năm. Đồng thời, Iraq và Syria sẽ cùng phái cử đại sứ sau 27 năm quan hệ bị ngắt quãng.

Ngoài ra, trong những tháng gần đây, Tổng thống Pháp Sarkozy, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Anh David Miliband lần lượt tới Baghdad, biểu thị mong muốn tham gia tích cực vào việc tái thiết Iraq.

Hiện nay, Chính phủ Iraq đang nỗ lực thúc đẩy ngoại giao toàn diện với trọng điểm là các nước láng giềng và nước lớn, thể hiện hình ảnh mới của Iraq, tạo dựng môi trường khu vực ổn định về an ninh, thu hút cộng đồng quốc tế viện trợ và đầu tư nhiều hơn nữa, đẩy mạnh sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước


T.H.T. (theo Tân Hoa xã)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới