Thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đa số đại biểu đã thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi luật này, song cũng rất nhiều ý kiến không đồng tình với dự thảo khi đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với các tội buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc phòng bệnh, tội phá hoại hòa bình, đặc biệt là tội tham ô, nhận hối lộ. Nhân đạo với một người, phi nhân đạo với cả xã hội
Theo dự luật thì hành vi sử dụng chất ma túy sẽ không bị coi là hành vi phạm tội, nhưng hầu hết các đại biểu đều không đồng tình với quan điểm này và đề nghị để nguyên như luật hiện hành bởi quy định như luật hiện hành đang có giá trị phòng ngừa tốt, ngăn chặn đáng kể việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Đại biểu Trần Bá Thiều - Hải Phòng lo ngại. Quốc hội thông qua điều luật này thì có khác gì mở cửa và cải cách cho người nghiện và những người chuẩn bị nghiện được tăng điều kiện để sử dụng trái phép chất ma túy”.
Đại biểu Phan Trung Lý - Nghệ An đề nghị phải làm cho rõ thế nào là chính sách nhân đạo. Theo đại biểu thì việc bỏ tội sử dụng chất ma túy ra khỏi Luật Hình sự không có nghĩa là nhân đạo bởi: “Không nhân đạo với một người cụ thể khi họ có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng lại nhân đạo cho cả xã hội, nhân đạo với rất nhiều người thì điều đó là cần thiết”.
Tương tự như vậy, đa số các đại biểu cũng đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với nhóm tội chống hòa bình, gây chiến tranh, chống loài người. Mặc dù trong thực tiễn xét xử không mấy khi phải xử hành vi này ở mức hình phạt tử hình, nhưng không có nghĩa rằng trong điều luật không quy định. Các đại biểu phân tích, Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình nên cần phải lên án những hành vi này, nếu bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội này tức là “nhân đạo với một người nhưng phi nhân đạo với cả thế giới”.
Tham ô, hối lộ khó thoát án tử hình
Đa số các đại biểu cho rằng việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng (điều 278) và tội nhận hối lộ (điều 279) trong thời điểm hiện nay là chưa thích hợp. Bởi nếu bỏ hình phạt tử hình với tội này có nghĩa là pháp luật chưa nghiêm khắc với đối tượng tham nhũng, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính sách đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Đại biểu Triệu Mùi Nái (Hà Giang) dẫn chứng báo cáo của Chính phủ, tội tham nhũng đang diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện phức tạp kéo dài nên đề nghị “chưa thể bỏ hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này, vẫn tiếp tục giữ lại để răn đe và phòng ngừa, như vậy lòng dân cũng yên tâm hơn”.
Cùng chung quan điểm này, nhiều đại biểu phân tích tệ nạn tham nhũng là quốc nạn, mà đã là quốc nạn thì phải áp dụng hình phạt đủ mạnh thì mới có thể răn đe.
Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) cho rằng tham ô, tham nhũng và hối lộ, là vấn đề bức xúc của quốc gia hiện nay và chống tham nhũng đang là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Loại tội phạm này đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Vì vậy hình phạt cao nhất vẫn giữ là tử hình như luật hiện hành.
Đưa hối lộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Liên quan đến nhóm tội phạm tham nhũng, có ý kiến cho rằng nên phi hình sự hóa đối với hành vi đưa hối lộ, song cũng có ý kiến cho rằng phải xử lý cả hành vi này. Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhận hối lộ và đưa hối lộ là 2 hành vi luôn song hành với nhau và hầu hết chỉ có 2 bên biết nên xử lý đồng thời cả hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ thì không phát huy được việc tố cáo hành vi nhận hối lộ.
Trong khi đó đại biểu Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội lại cho rằng, phân rõ việc đưa hối lộ do bị nhũng nhiễu và việc đưa hối lộ do cố ý để vụ lợi bất chính để từ đó có biện pháp xử lý thích hợp - “Anh không có năng lực, trình độ gì cả, nhưng anh lại muốn có chức, có quyền; anh muốn có dự án kiếm hàng mấy trăm tỷ đồng, anh chạy mất chục tỷ để anh có mấy trăm tỷ thì làm sao lại phi hình sự hóa được? Cho nên nếu nói phi hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cũng chưa hẳn đã phù hợp với tình hình thực tế”.
Xung quanh việc thảo luận về Bộ luật Hình sự, các đại biểu cũng bàn về việc bổ sung một số hành vi phạm tội mới, trách nhiệm hình sự của pháp nhân... Từ trước đến nay Luật Hình sự mới chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân, trong khi thực tiễn đã xảy ra khá nhiều loại tội phạm do pháp nhân thực hiện. Vì vậy cần phải đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đinh Hương Bình
Dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 17 tội danh
So với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì dự thảo luật sửa đổi dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 17/29 điều luật. Cụ thể bỏ hình phạt tử hình đối với các tội như: Tội hiếp dâm (điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 139); tội buôn lậu (điều 153); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (điều 157); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (điều 221); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (điều 231); tội tham ô tài sản (điều 278); tội nhận hối lộ (điều 279); tội đưa hối lộ (điều 289); tội chống mệnh lệnh (điều 316); tội đầu hàng địch (điều 322); tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (điều 334); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 341); tội chống loài người (điều 342) và tội phạm chiến tranh (điều 343).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét