Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Tư

Cách mạng Quốc tế

CÁCH MẠNG 1789 Ở PHÁP:

cuộc cách mạng tư sản lật đổ nền quân chủ chuyên chế phong kiến của triều đại Buôcbông (Bourbons), thiết lập chính quyền tư sản, mở đường phát triển cho chủ nghĩa tư bản Pháp. Lực lượng cách mạng chủ yếu là đẳng cấp thứ ba gồm giai cấp tư sản, công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị và một số tăng lữ, quý tộc lớp dưới. Tại Hội nghị ba đẳng cấp (5.1789) (xt. Hội nghị ba đẳng cấp), đại biểu đẳng cấp thứ ba đòi quyền bình đẳng trước pháp luật. Thái độ ngoan cố của nhà vua đã dẫn đến việc thành lập Hiệp hội Dân tộc của đẳng cấp thứ ba (17.6), thành lập Quốc hội Lập hiến (9.7). Đỉnh cao cuộc khởi nghĩa quần chúng là ngày 14.7.1789 phá ngục Baxti (Bastille). Cuộc cách mạng gồm ba giai đoạn: Giai đoạn một, phái Lập hiến cầm quyền (7.1789 - 9.1792), công bố bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" (26.8.1789), bầu Quốc hội Lập pháp (1.10.1791). Đầu 1792, Áo và Phổ kí hiệp ước liên minh quân sự kêu gọi các nước Châu Âu tham gia chiến tranh chống nước Pháp cách mạng. Trước nguy cơ mất nước, nhân dân Pari nổi dậy (10.8.1792) lật đổ chính quyền thay thế bằng Chính phủ Girôngđanh (Girondins). Giai đoạn hai, phái Girôngđanh nắm quyền (8.1792 - 6.1793). Thành lập Hội nghị Quốc ước và tuyên bố nước Pháp theo chế độ cộng hoà (22.9.1792) quyết định xử tử vua Lu - i XVI (Louis XVI; 21.1.1793). Lực lượng cánh tả là phái Jacôbanh (Jacobins; phái Núi) cùng nhân dân lập Công xã ở các địa phương đòi hỏi tăng cường chiến đấu chống ngoại xâm và cải thiện đời sống của dân nghèo đã nổi dậy ngày 2.6.1793 lật đổ chính phủ Girôngđanh. Giai đoạn ba, phái Jacôbanh nắm quyền (6.1793 - 7.1794), do Rôbexpie (M. de Robespierre) đứng đầu đã quyết định chính sách chia ruộng đất cho dân nghèo, soạn thảo Hiến pháp 1793 (chưa công bố), thành lập đội quân cách mạng để trấn áp kẻ thù bên trong và đẩy lùi kẻ thù bên ngoài bằng những biện pháp kiên quyết (lịch sử gọi là "thời kì khủng bố"). Nhờ vậy, nước Pháp thoát khỏi nguy cơ bị xâm lược. Nhưng do sự phân hoá nội bộ, chính quyền Jacôbanh bị lật đổ bởi cuộc đảo chính Tecmiđo (Thermidor; 27.7.1794). Rôbexpie và các bạn chiến đấu bị hành quyết. Cuộc nổi dậy của phái bảo hoàng bị Napôlêông I (Napoléon Bonaparte) đè bẹp. Năm 1795, thành lập Đốc chính; năm 1796, chiến thắng của Napôlêông I ở Accôn (Arcole); năm 1797, Babơp (G. Babeuf) bị hành quyết. Năm 1798, liên minh Châu Âu lần thứ hai chống Pháp thất bại. Năm 1789, cuộc đảo chính của Napôlêông I và cuộc thành lập Nhiếp chính (Consulat) (9 - 10.11) là những sự kiện đánh dấu sự kết thúc của cách mạng.
CÁCH MẠNG 1905 Ở NGA:

cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên ở Nga, kéo dài từ 1905 đến 1907. Khẩu hiệu của cách mạng là lật đổ chế độ Nga hoàng, thành lập nước Cộng hoà Dân chủ, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày, ngày làm việc 8 giờ, thực hiện các quyền tự do dân chủ, vv. Khởi đầu là sự kiện công nhân Pêtecbua (Peterburg) bị tàn sát dã man (9.1.1905), sau đó diễn ra các cuộc biểu tình, bãi công và binh biến. Đỉnh cao của cách mạng là cuộc khởi nghĩa vũ trang (12.1905) của công nhân Matxcơva và nhiều thành phố khác. Chính phủ Nga hoàng đàn áp khốc liệt (xt. Khởi nghĩa vũ trang tháng Chạp 1905). Năm 1906, cách mạng thoái trào và năm 1907, chấm dứt. Trong tiến trình của cách mạng, đã ra đời các Xô Viết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính. Cách mạng này có ý nghĩa lịch sử quan trọng, được xem như "cuộc tổng diễn tập thứ nhất" của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười 1917.
CÁCH MẠNG 1949 Ở TRUNG QUỐC:

cuộc cách mạng của nhân dân Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo lật đổ chính quyền cũ, thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Năm 1945, cao trào kháng Nhật ở Trung Quốc do Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng hợp tác đã giành được nhiều thắng lợi. Tháng 9.1945, Nhật Bản chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ngày 10.10.1945, Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng kí hiệp ước chấm dứt nội chiến và triệu tập hội nghị chính trị hiệp thương để xây dựng lại đất nước. Tháng 7.1946, Quốc dân Đảng đồng loạt tấn công vào các vùng giải phóng do Đảng Cộng sản kiểm soát. Cuộc nội chiến bùng nổ. Thời kì đầu, phần lớn lãnh thổ trong các vùng giải phóng bị rơi vào tay Quốc dân Đảng. Nhưng sau đó, nhờ vận dụng linh hoạt đường lối chiến tranh nhân dân, Đảng Cộng sản và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dần dần giành lại thế chủ động. Từ cuối 1946, Đảng cộng sản tiếp tục tổ chức các lực lượng nông dân trong các vùng mới giải phóng giành lại ruộng đất từ tay phong kiến, địa chủ, thực hiện dần từng bước nền dân chủ mới. Từ tháng 7 đến tháng 9.1946, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã chuyển từ phòng ngự sang tấn công trên quy mô cả nước. Đặc biệt, từ tháng 9.1948 đến 1.1949, các vùng Liêu - Thẩm [Liêu Tây (Liaoxi), Thẩm Dương (Shenyang)], Hoài Hải [Hoài Hà (Huaihe), Hải Châu (Haizhou) ở Hoa Đông (Huadong)], Bình - Tân - Trương [Bắc Bình (Beiping), Thiên Tân (Tianjin), Trương Gia Khẩu (Zhangjiakou) ở Hoa Bắc (Huabei)]... lần lượt được giải phóng. Tháng 4.1949, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vượt sông Dương Tử (Yangzi; cg. Trường Giang) tấn công vào sào huyệt của Quốc dân Đảng, giải phóng hoàn toàn Trung Hoa lục địa [trừ Tây Tạng (Xizang)], cuộc nội chiến kết thúc. Sau đó, từ 21 đến 30.9.1949, Hội nghị chính trị hiệp thương được triệu tập tại Bắc Kinh để thông qua Cương lĩnh chung, bầu Hội đồng Chính phủ do Mao Trạch Đông làm chủ tịch. Hội đồng đã cử Chu Ân Lai (Zhou Enlai) làm thủ tướng Quốc vụ Viện kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngày 1.10.1949, lễ tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen; Bắc Kinh). Cách mạng 1949 ở Trung Quốc mở đầu thời kì lịch sử mới – thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc.
CÁCH MẠNG 1959 Ở CUBA:

cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do các lực lượng yêu nước và cách mạng của nhân dân Cuba dưới sự lãnh đạo của Caxtơrô (F. Castro) đánh đổ chế độ phản động Batixta (Batista), thành lập chính quyền nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa vũ trang 26.7.1953 dưới sự lãnh đạo của Phong trào cách mạng (do Caxtơrô sáng lập và tổ chức) tiến công trại lính Môncađa (Moncada) tuy không thành công nhưng đã mở đầu cho một thời kì cách mạng mới. Bị bắt và bị đưa ra xử, Caxtơrô đã lên án chế độ độc tài và tự bào chữa. Bản tự bào chữa dưới đầu đề "Lịch sử sẽ chứng minh cho tôi" đã trở thành bản Cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ. Sau khi ra tù, Caxtơrô và nhiều chiến sĩ khác sang Mêhicô để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Ngày 2.12.1956, cuộc đổ bộ lịch sử của 82 chiến sĩ trở về tổ quốc hoàn toàn thắng lợi. Nghĩa quân xây dựng căn cứ ở vùng rừng núi Xiêra Maextơra (Sierra Maestra) hiểm trở, mở nhiều cuộc tiến công vào quân đội Batixta. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Cuba ở thành thị và nông thôn ngày càng phát triển, dẫn đến sự thống nhất hành động giữa các tổ chức cách mạng, chủ yếu giữa Phong trào cách mạng 26.7 và Đảng Xã hội Nhân dân. Ngày 1.1.1959, quân đội của chế độ độc tài đầu hàng. Chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước, chấm dứt gần 5 thế kỉ thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở Cuba. Cách mạng Cuba thành công làm nổi bật tinh thần yêu nước của nhân dân Cuba, sức sống của chủ nghĩa Mac - Lênin và cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Mĩ Latinh.
CÁCH MẠNG 1974 Ở BỒ ĐÀO NHA:

cuộc cách mạng dân chủ bùng nổ ngày 25.4.1974 do Phong trào lực lượng vũ trang lãnh đạo. Được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân, Cách mạng đã lật đổ chế độ phát xít Tômaxô - Cattanêô (Tomaso - Cattaneo), mở ra quá trình dân chủ hoá. Hội đồng Dân tộc do Phong trào lực lượng vũ trang thành lập đã xoá bỏ các cơ quan quyền lực, các đảng phát xít, khôi phục các quyền tự do dân chủ, thả tù chính trị và tuyên bố bầu cử Quốc hội lập hiến vào năm 1975. Tướng Xpinôla (A. S. R. Spinola) được bầu làm tổng thống. Chính phủ Lâm thời được thành lập (16.5) gồm đại diện các đảng phái, trong đó có Đảng Cộng sản. Đã tiến hành quốc hữu hoá các ngành công nghiệp then chốt, cải cách ruộng đất ở nhiều vùng phía nam, thiết lập sự kiểm soát của công nhân ở các nhà máy đáp ứng yêu sách kinh tế và xã hội của quần chúng lao động. Chính phủ mới ở Bồ Đào Nha tuyên bố thừa nhận quyền độc lập của "các tỉnh hải ngoại" (tức các thuộc địa cũ) như Ghinê Bitxao (7.1974), Môzămbich (6.1975), Xao Tômê và Prinxipê (7.1975), Angôla (11.1975). Tháng 4.1976, các lực lượng cánh tả giành thắng lợi lớn trong việc thông qua bản hiến pháp của nước cộng hoà, phù hợp với nguyện vọng đông đảo quần chúng lao động.
CÁCH MẠNG 1974 Ở ÊTIÔPIA:

cuộc cách mạng dân chủ chống chế độ quân chủ phong kiến Êtiôpia. Từ những năm 70 thế kỉ 20, Êtiôpia lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội sâu sắc. Nạn hạn hán và nạn đói kéo dài đã làm hàng trăm nghìn người chết. Cuộc biểu tình của nhân dân thủ đô Ađi Abêba chống chính phủ đã nổ ra ngày 13.2.1971. Sau đó phong trào được sự ủng hộ của quân đội và lan rộng khắp đất nước. Ngày 28.2, Uỷ ban Phối hợp các Lực lượng Vũ trang do Mengixtu (H. M. Mengistu) đứng đầu đã lãnh đạo binh sĩ nổi dậy giành chính quyền, phế truất nhà vua Xêlaxi (H. Sélassie) thành lập Hội đồng Quân sự Hành chính Lâm thời làm nhiệm vụ của một chính quyền cách mạng và tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
CÁCH MẠNG 1979 Ở NICARAGOA:

cách mạng dân tộc dân chủ do nhân dân Nicaragoa tiến hành dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Xanđinô (FSLN), lật đổ chế độ độc tài Xômôxa (Somoza) (xt. Mặt trận Giải phóng Dân tộc Xanđinô). Năm 1821, Nicaragoa giành được độc lập dân tộc từ Tây Ban Nha, nhưng sau đó lại mắc phải ách thống trị của Mĩ. Tháng 5.1936, Xômôxa tiến hành đảo chính quân sự, thiết lập chế độ độc tài. Từ đó, dòng họ Xômôxa nắm quyền thống trị Nicaragoa. Năm 1961, FSLN được thành lập, phát động cuộc đấu tranh vũ trang nhằm lật đổ Xômôxa. Giữa những năm 70 thế kỉ 20, chiến tranh du kích lan rộng khắp đất nước, nhiều vùng được giải phóng. Hè 1979, lực lượng vũ trang Xanđinô mở cuộc tấn công quyết định vào 5 khu vực chiến lược: Rivat (Rivas), Puectô Cabêxat (Puerto Cabezas), vùng mỏ Xiuna (Siuna), Rôxita (Rosita) và Bônanxa (Bonanza). Ngày 30.5.1979, FSLN kêu gọi tổng bãi công chính trị và khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền. Ngày 9.7, quân cách mạng phối hợp với quần chúng tiến vào thủ đô Managoa. Ngày 14.7, Xômôxa chạy trốn sang Mĩ. Ngày 19.7, cách mạng thắng lợi, Chính phủ Lâm thời từ Côxta Rica trở về thủ đô Managoa. Chính quyền FSLN tuyên bố đưa đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa
CÁCH MẠNG HÀ LAN :

cuộc cách mạng của nhân dân "Xứ thấp" (Hà Lan) chống chính quyền đô hộ Tây Ban Nha nửa sau thế kỉ 16. "Xứ thấp" vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, có nền kinh tế phát triển (dệt, nhuộm dạ len), theo tôn giáo cải cách (Tin Lành). Năm 1568, Ghiôm xứ Orănggiơ (Guillaume d' Orange) từ nước ngoài về lãnh đạo một bộ phận quý tộc, tư sản và quần chúng khởi nghĩa chống Tây Ban Nha đang đàn áp đạo Tin Lành. Lúc đầu Tây Ban Nha thắng một số trận trên bộ, nhưng quyền kiểm soát trên biển vẫn thuộc quân khởi nghĩa. Năm 1573, thành phố Lâyđen (Leyden) bị Tây Ban Nha tấn công. Năm 1574, dân chúng phá đê kè ngăn nước biển để chiến thuyền Hà Lan ngoài biển theo dòng tiến vào giải phóng Lâyđen. Năm 1579, hàng ngũ nghĩa quân phân hoá, quý tộc ở miền Nam (nay thuộc Bỉ) bất mãn và quay về hàng phục Tây Ban Nha (x. Liên minh Araxơ). Các tỉnh miền Bắc kiên quyết tiếp tục đấu tranh, thành lập Liên minh Utơrêch (x. Liên minh Utơrêch). Năm 1581, các tỉnh liên hiệp miền Bắc tuyên bố độc lập, với tên gọi chính thức là "Các tỉnh liên hiệp". Năm 1609, Tây Ban Nha kí hiệp ước đình chiến và cuối cùng phải thừa nhận nền độc lập của Cộng hoà "Các tỉnh liên hiệp" (1648), về sau được gọi là Hà Lan.
CÁCH MẠNG TÂN HỢI 1911 Ở TRUNG QUỐC :

cuộc cách mạng tư sản đầu tiên ở Trung Quốc do tổ chức Đồng minh Hội của Tôn Trung Sơn (Sun Zhongshan) (thành lập từ 1905) lãnh đạo nhằm lật đổ chế độ quân chủ của nhà Thanh (Qing). Ngày 10.10.1911, binh lính ở Vũ Xương (Wuchang) khởi nghĩa trong lúc lực lượng cách mạng ở một số nơi đánh chiếm Hán Khẩu (Hankou), Hán Dương (Hanyang), Hồ Nam (Hunan), Thiểm Tây (Shanxi), Giang Tây (Jiangxi), Sơn Đông (Shandong), Thượng Hải (Shanghai), Giang Tô (Jiangsu), Chiết Giang (Zhejiang), Tứ Xuyên (Sichuan), Quảng Tây (Guangxi) (xt. Khởi nghĩa Vũ Xương 1911). Tháng 12.1911, cách mạng đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ từ Nam Kinh (Nanjing) xuống phía nam và thành lập Chính phủ Lâm thời Trung Hoa Dân quốc, do Tôn Trung Sơn làm tổng thống (1.1.1912). Lúc này, phái cải lương có ưu thế trong nghị viện và ở các địa phương chủ trương duy trì chế độ quân chủ lập hiến, đã thoả hiệp và đưa Viên Thế Khải (Yuan Shikai) (đại thần nhà Thanh được thế lực đế quốc ủng hộ) lên làm tổng thống (10.3.1912); Chính phủ Trung Hoa Dân quốc chính thức ra đời, chế độ quân chủ bị thủ tiêu. Sau đó, Viên Thế Khải định thiết lập trở lại chế độ quân chủ. Tháng 8.1912, trên cơ sở Đồng minh hội, Tôn Trung Sơn thành lập một tổ chức mới là Quốc dân Đảng để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên. Tháng 11.1913, Viên Thế Khải loại bỏ các nghị sĩ Quốc dân Đảng ra khỏi Quốc hội và giải tán Quốc hội, thiết lập nền thống trị độc tài của tập đoàn đại tư sản, quan liêu, quân phiệt, phong kiến. Cách mạng Tân Hợi chấm dứt nhưng có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển sau này của Cách mạng Trung Quốc và phong trào yêu nước một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
CÁCH MẠNG TƯ SẢN 1640 Ở ANH :

cuộc cách mạng do giai cấp tư sản và quý tộc tư sản hoá Anh lãnh đạo lật đổ nền quân chủ chuyên chế triều đại Xtiuơt (Stuart). Trong cuộc nội chiến lần 1 (1642 - 46) và lần 2 (1648), đội quân cách mạng mệnh danh "sườn sắt" do Crômoen (O. Cromwell) chỉ huy, được nông dân và dân nghèo ủng hộ đã đánh thắng quân nhà vua trong hai trận lớn Nedơbai (Naseby; 1645) và Prextơn (Preston; 1648), giành thắng lợi hoàn toàn. Vua Saclơ I (Charles I) bị xử tử. Tháng 5.1649, chế độ cộng hoà được thành lập. Chính quyền tư sản thi hành nhiều biện pháp khuyến khích công thương nghiệp, mở rộng chế độ rào đất, sáp nhập Xcôtlen (Scotland) và xâm lược Ailen. Năm 1653, Crômoen thiết lập chế độ độc tài quân sự. Sau khi Crômoen chết (1658), chính quyền tư sản chuyển sang chính sách thoả hiệp với thế lực phong kiến suy tàn. Cuộc chính biến 1688 thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, ngôi vua được phục hồi, nhưng quyền lực bị nghị viện hạn chế. Cách mạng tư sản Anh đã mở đường cho chủ nghĩa tư bản Anh phát triển và có ảnh hưởng lớn đối với Châu Âu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới