Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Tư

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT:

sự thay đổi chế độ chiếm hữu ruộng đất và chế độ sử dụng ruộng đất, mang tính chất cách mạng dân chủ chống phong kiến. Ở các nước tư bản, CCRĐ thúc đẩy sự phát triển chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp và trong nền kinh tế nói chung (vd. CCRĐ 1861 ở Nga, CCRĐ 1946 ở Nhật Bản). Trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa, ở một số nước Châu Âu và Châu Á trong những năm 40 thế kỉ 20, CCRĐ được tiến hành bằng cách tịch thu hoặc trưng thu ruộng đất của địa chủ, quốc hữu hoá ruộng đất và chia cho nông dân.

Ở Việt Nam, CCRĐ là một nhiệm vụ và nội dung cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhằm mục đích xoá bỏ chế độ ruộng đất phong kiến địa chủ, thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng". Sau Cách mạng tháng Tám, chính sách ruộng đất của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (1946 - 49): tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian, chia cho nông dân. Giai đoạn 2 (1950 - 53): thực hiện giảm tô, giảm tức, hoãn nợ và xoá nợ, thu thuế nông nghiệp, trong đó đánh thuế nặng đối với địa chủ. Giai đoạn 3 ở Miền Bắc (1954 - 57): phát động quần chúng thực hiện CCRĐ triệt để với các hình thức khác nhau như hiến ruộng đất, tịch thu, trưng thu, trưng mua, tùy theo thái độ chính trị của từng người và đem ruộng đất chia cho tầng lớp cố nông, bần nông và trung nông lớp dưới. Kết thúc CCRĐ ở Miền Bắc (cuối 1957), hơn 810 nghìn ha ruộng đất của thực dân và địa chủ, ruộng đất công và nửa công nửa tư đã được chia cho 2,22 triệu hộ nông dân lao động (chiếm 72,8% số hộ ở nông thôn). CCRĐ đã tạo ra chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội; quan hệ sản xuất ở nông thôn được đổi mới, sức sản xuất to lớn của nông thôn được giải phóng, tạo điều kiện bước sang một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn và góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Pháp và vào việc củng cố Miền Bắc sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Song, trong quá trình thực hiện CCRĐ, đã có những sai lầm nghiêm trọng. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 Khoá II, Đảng đã tổng kết CCRĐ và công khai tự phê bình trước nhân dân về những sai lầm trong quá trình thực hiện và đưa ra chủ trương sửa chữa sai lầm.

Từ 1954, dưới thời Mĩ - Diệm, trong các vùng tạm chiếm ở Miền Nam, Chính phủ Ngô Đình Diệm đề ra "Quốc sách về cải cách điền địa" (1955 - 57) chủ trương phân chia các khế ước cho tá điền thuê mướn ruộng đất, tái phân điền sản, bồi thường cho địa chủ, cấp sở hữu cho nông dân (nông dân trả tiền mua ruộng đất dần từ 6 đến 12 năm). Tuy nhiên, chính sách ấy thực chất là nhằm mục tiêu xóa bỏ thành quả ruộng đất mà chính quyền cách mạng đã mang lại cho nông dân, khôi phục giai cấp địa chủ và tạo ra một tầng lớp địa chủ mới, làm cơ sở cho chính quyền phong kiến, tư sản mại bản quan liêu và thực dân mới ở nông thôn. Chính sách ruộng đất của chính quyền Ngô Đình Diệm đã làm cho mâu thuẫn giữa nông dân Miền Nam với địa chủ mà đại biểu là chính quyền Ngô Đình Diệm càng thêm gay gắt, thúc đẩy chống Mĩ - Diệm càng quyết liệt hơn. Sau chính quyền Diệm, Nguyễn Văn Thiệu với sự hỗ trợ tài chính của Mĩ, ban hành luật 03/70 ngày 26.3.1970 "người cày có ruộng" chủ trương mua lại ruộng đất của địa chủ và cấp phát vô thường cho nông dân (mỗi địa chủ được giữ lại không quá 15 ha). Về thực chất, chủ trương "cải cách điền địa" của Nguyễn Văn Thiệu nhằm tư sản hoá địa chủ để phát triển công nghiệp và đô thị, tạo tiền đề cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản, "hữu sản hoá" nông dân để lôi kéo nông dân, đồng thời tránh cuộc đấu tranh cách mạng ở các vùng nông thôn. Mặt khác, sự phát triển kinh tế ở đô thị là cơ sở hậu cần phục vụ chiến tranh và là cơ sở kinh tế - xã hội cho chính quyền Sài Gòn và chế độ thực dân mới của Mĩ.

Sau ngày Miền Nam được giải phóng (1975), Nhà nước Việt Nam có chủ trương xóa bỏ các hình thức bóc lột phong kiến, tịch thu ruộng đất của bọn phản động trong ngụy quân, ngụy quyền chia cho nông dân và điều chỉnh ruộng đất trong nội bộ nông dân theo tinh thần "nhường cơm xẻ áo" nhằm đưa lại ruộng đất cho người cày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới