Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Vệ tinh Triều Tiên và những phản ứng trái chiều


Vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên đã phóng vệ tinh vào ngày 5/4/2009 như đã tuyên bố trước đó bất chấp nhiều sức ép từ Mỹ và các nước đồng minh của Washington. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã phải nhóm họp khẩn cấp. Tuy nhiên, sự kiện này đã tạo nên một “cơn sốt” của bầu không khí quốc tế...

Sau nhiều ngày chuẩn bị kể từ khi tuyên bố công khai sẽ phóng vệ tinh, CHDCND Triều Tiên cũng đã thực hiện kế hoạch gây nhiều tranh cãi này.

Theo KCNA, ngày 5/4, CHDCND Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo gần trái đất, nhờ tên lửa đẩy Unha-2. Tên lửa Unha-2 gồm ba tầng, được phóng tại bãi phóng vệ tinh Đông Hải, tỉnh Bắc Ham-kiêng vào lúc 11h20’ giờ địa phương (9h20’ giờ Việt Nam) và sau 9 phút 2 giây, vệ tinh này đã đi vào quỹ đạo. Vệ tinh Kwangmyongsong-2 hiện quay ổn định trên quỹ đạo cận cực với góc nghiêng 40,6o và chu kỳ 104 phút 12 giây.

KCNA nhấn mạnh, việc phóng vệ tinh lần này có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy các dự án nghiên cứu vũ trụ vì mục đích hòa bình và giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong hoạt động phóng vệ tinh vì các mục đích thiết thực.

Các hoạt động do thám từ vệ tinh và cả các hoạt động tình báo đối với CHDCND Triều Triên đã được Mỹ và đồng minh của họ gia tăng vào thời điểm trước, trong và sau khi vụ phóng được tiến hành. Những tin tức, hình ảnh do thám từ vệ tinh về quá trình chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên liên tục được các cơ quan quân sự và thông tin Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc công bố nhằm tạo áp lực cho dư luận quốc tế và ở góc độ nào đó răn đe, cảnh cáo Bình Nhưỡng.

Không phải vô cớ mà CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ bắn hạ các máy bay do thám của Mỹ nếu chúng vi phạm không phận Triều Tiên trong quá trình theo dõi vụ phóng vệ tinh. Trước đó, Cơ quan An ninh Triều Tiên đã bắt giữ 2 nữ phóng viên Mỹ gốc Triều Tiên thâm nhập biên giới trái phép.

Trong khi đó, trái ngược với nguồn tin của Bình Nhưỡng, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại tuyên bố là vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đã “thất bại”. Theo AFP, báo cáo của Bộ Tư lệnh Lực lượng phòng không vũ trụ Bắc Mỹ (ADC) và Bộ Chỉ huy miền Bắc nước Mỹ, công bố chiều 5/4, nêu rõ “tầng thứ nhất của tên lửa do CHDCND Triều Tiên phóng đã rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Các tầng còn lại cùng với thiết bị mang vệ tinh đã rơi xuống Thái Bình Dương”. Tuyên bố trên cũng khẳng định “không có vật thể nào bay vào quỹ đạo cũng như không có mảnh vỡ nào rơi xuống Nhật Bản”...

Những tuyên bố trái ngược kiểu “chiến tranh thông tin” này thường xảy ra trong những diễn biến nóng và rất khó xác định. Nhưng theo các nhà quan sát, việc tên lửa của CHDCND Triều Tiên không bị nổ giữa chừng như vụ phóng hồi tháng 10/2006 cho thấy Bình Nhưỡng đã thành công về khía cạnh phóng tên lửa.

Đây là điểm mấu chốt và là sự lo ngại nhất của Mỹ và các nước đồng minh khi CHDCND Triều Tiên trở thành cường quốc có tên lửa đạn đạo chiến lược có thể bắn tới Mỹ, Nhật Bản. Không những thế, CHDCND Triều Tiên còn được coi là quốc gia có khả năng có vũ khí hạt nhân và đang nắm trong tay công nghệ sản xuất loại vũ khí này.

Ngày nay, khoảng cách giữa những ngành công nghiệp nhạy cảm chế tạo các loại thiết bị phục vụ hòa bình và chế tạo vũ khí là rất mong manh và có thể chuyển đổi mục đích một cách nhanh chóng.

Theo các chuyên gia quân sự, vụ phóng vệ tinh sáng 5/4 có thể coi là thành công, đặc biệt khi so sánh với vụ thử tên lửa tháng 7/2006, khi đó tên lửa Taepodong-2 đã phát nổ 40 giây sau khi rời bệ phóng. Đây là bước tiến lớn về công nghệ tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Tuy các nước này lo ngại đây là bình phong của một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa, nhưng dù thế nào đi nữa, vụ phóng vệ tinh là có thật và đã được kiểm chứng. Các nguồn tin nước ngoài cho biết Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga đều xác nhận, CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng vệ tinh. Và theo thông lệ quốc tế kiểu luật bất thành văn, CHDCND Triều Tiên đã trở thành một cường quốc vũ trụ nhờ khả năng tự phóng vệ tinh bằng tên lửa do chính mình chế tạo.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên qua tivi.

Một vấn đề quan trọng nữa đã được đặt ra trước và sau khi CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh là Bình Nhưỡng có vi phạm Nghị quyết 1718 năm 2006 hay không? Theo nghị quyết này, HĐBA LHQ cấm CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo và nếu thực hiện thì sẽ bị trừng phạt bằng lệnh cấm vận thương mại.

Trong khi Mỹ và các nước đồng minh cho rằng CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh đã vi phạm Nghị quyết của HĐBA LHQ, thì Bình Nhưỡng khẳng định nước này tiến hành hoạt động khoa học vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Trước khi phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2, Bình Nhưỡng đã thông báo chi tiết về mục đích, thời gian, lộ trình và khu vực đặt bệ phóng tên lửa đẩy vệ tinh. Bình Nhưỡng cũng đã thông báo những vùng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình phóng với Tổ chức Hàng hải quốc tế và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Chính điều này đã làm cho Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lúng túng trong việc quyết định có bắn hạ tên lửa - vệ tinh của CHDCND Triều Tiên hay không.

Và như nhiều người đã biết, sau những tuyên bố cứng rắn ban đầu, các quan chức quân sự cao cấp của Mỹ, Nhật Bản cuối cùng cũng cho biết không có kế hoạch bắn hạ tên lửa mang vệ tinh của CHDCND Triều Tiên. Còn Tổng thống Hàn Quốc thì tuyên bố không ủng hộ các biện pháp quân sự đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh.

Mặt khác, cho dù trước đó Bình Nhưỡng đã tuyên bố nếu ai bắn hạ vệ tinh của họ đồng nghĩa với lời tuyên bố chiến tranh, nhưng vấn đề không đơn giản như vậy mà cái chính là Bình Nhưỡng đã đẩy Mỹ và đồng minh của Washington vào một tình thế khó xử lý khi không đủ cơ sở pháp lý quốc tế để trừng phạt Bình Nhưỡng.

Về bản chất, nhiều chuyên gia Mỹ và Nhật Bản lập luận rằng, tên lửa đạn đạo hay tên lửa vệ tinh đều có cách chế tạo giống nhau, nhưng vấn đề là mục đích phóng tên lửa đưa vệ tinh lên vũ trụ nhằm phục vụ nghiên cứu thì lại là một chuyện khác. CHDCND Triều Tiên cũng là một nước tham gia hiệp định quốc tế về quyền phát triển vũ trụ. Và cũng cần lưu ý rằng, Trung Quốc và Nga có quan điểm là CHDCND Triều Tiên có quyền thực hiện các dự án nghiên cứu vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Trước những sức ép của Mỹ và đồng minh, Bình Nhưỡng tuyên bố nếu cộng đồng quốc tế trừng phạt họ vì cuộc thử vệ tinh sắp tới, nước này sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân và sẽ không tiếp tục tham gia cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề này.

Theo các nhà quan sát, chính những yếu tố nói trên đã làm cho HĐBA LHQ khó đạt được một nghị quyết mới trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Theo giới phân tích, các bên sẽ phải mất nhiều ngày mới đạt được một thỏa thuận. Trong khi Mỹ, Nhật Bản tìm kiếm một phản ứng mạnh mẽ thì Trung Quốc và Nga lại kêu gọi kiềm chế và các bên liên quan không nên làm cho tình hình căng thẳng thêm.

Về phía Việt Nam, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng đại diện Việt Nam tại HĐBA LHQ tuyên bố, Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Ông Lê Lương Minh cho rằng, khuôn khổ đàm phán 6 bên là cơ chế quan trọng và thích hợp để các bên liên quan giải quyết bất đồng về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thông qua đối thoại và thương lượng hòa bình.

Trước đó, ngày 5/4, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về phản ứng của Việt Nam đối với việc CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh Quang Minh Tinh 2 (Kwangmyongsong-2), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng, nói: Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) và một số hãng thông tấn quốc tế khác, vào khoảng 9h30’ sáng, giờ Hà Nội ngày 5/4/2009, CHDCND Triều Tiên đã phóng vệ tinh viễn thông Quang Minh Tinh 2. Việt Nam chú ý đến diễn biến nói trên; hy vọng các bên liên quan phản ứng thận trọng và xử lý thỏa đáng, không để tình hình trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.


Nguyễn Khắc Đức

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới