Dư luận Mỹ giận dữ, tổng thống Barack Obama cảm thấy bị lăng mạ, các nhà lãnh đạo bị kêu gọi từ chức và dân chúng biểu tình đòi lại tiền. Đó là tình cảnh ngồi trên đống lửa của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG.
Dư luận biểu tình phản đối hành động đáng xấu hổ của AIG. Ảnh: AP |
Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn biện pháp trừng phạt dành cho AIG. Những gia đình nào có thu nhập cao hơn 250.000 USD có mặt trong danh sách nhận thưởng của AIG sẽ bị đánh thuế 90% đối với khoản tiền bê bối họ được nhận. Qua vòng Hạ viện, điều luật đang được chuyển lên Thượng viện chờ thông qua.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đang kêu gọi Quốc hội trao nhiều quyền hơn cho chính phủ trong việc điều hành những tập đoàn tài chính ngoài ngân hàng, nhằm ngăn chặn một vụ bê bối AIG thứ hai. Hiện tại, chính quyền liên bang chỉ có thể can thiệp khi một ngân hàng gặp rắc rối chứ không thể áp dụng biện pháp tương tự với các công ty tài chính, tập đoàn bảo hiểm.
Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông hy vọng Quốc hội sẽ ủng hộ điều luật áp đặt quyền hành mới. Tuy những chi tiết chưa được công bố, nhưng nhiều thành viên đảng Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối ngay lập tức. Một đảng viên Cộng Hòa từ bang Ohio đã lên báo phát biểu: “Điều luật chẳng khác nào sự thâu tóm quyền lực. Trước khi thông qua, chúng ta nên bàn bạc kỹ càng về việc liệu có nên trao quyền lực mới vào tay Bộ Tài chính không”.
Vụ bê bối tiền thưởng của AIG bắt đầu bùng nổ từ giữa tháng này, khi lộ ra thông tin tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ ban thưởng hậu hĩnh cho các quan chức cấp cao vào tháng 10 năm ngoái. Điều làm dư luận giận dữ, đó là mới cách đó không lâu, tập đoàn này còn đi than nghèo kể khổ với chính phủ Mỹ để được nhận 170 tỷ USD tiền cứu trợ. Và đây không phải là lần đầu tiên thói tham lam của các đại gia Phố Wall và cả AIG bị đưa ra cho dự luận mổ xẻ.
Cho đến gần đây, dư luận và cả CEO của AIG cho rằng tổng số tiền AIG chi thưởng cho 400 nhân viên là 165 triệu USD. Thế nhưng, kết quả điều tra mới nhất hôm thứ Bảy 21/3 cho thấy Tập đoàn Quốc tế Mỹ AIG đã thưởng tổng cộng 218 triệu USD cho các nhân viên cấp cao.
Chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke nói: “Trong suốt 18 tháng đánh vật với cơn khủng hoảng, điều làm tôi tức giận nhất là vụ scandal AIG".
Hôm thứ Hai, 15 trong tổng số 400 người trong danh sách nhận thưởng đã đồng ý trả lại tiền, tổng trị giá hoàn trả hơn 30 triệu USD. Nếu vậy tổng số tiền mà nhân viên AIG đồng ý trả lại tính cho đến nay là 50 triệu USD. Dư luận đang hy vọng sẽ có thêm nhiều nhân viên khác trả lại tiền.
Trong 400 nhân viên bộ phận tài chính của AIG được nhận thưởng, người thấp nhất được nhận 1.000 USD và cao nhất 6,5 triệu USD. Có 7 lãnh đạo cấp cao nhận hơn 3 triệu USD mỗi người, 73 nhân viên khác nhận mỗi người 1 triệu, trong đó có 11 người không còn làm việc ở AIG nữa.
Hôm thứ Năm, trong khi thông báo với Quốc hội rằng có nhiều người muốn trả lại tiền thưởng, CEO của AIG, ông Edward Liddy cũng không quên phàn nàn rằng rồi đây công ty sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người tài. Theo Liddy, những nhân viên giỏi sẽ không muốn vào làm việc tại AIG nữa nếu họ cảm thấy ngay cả tiền thưởng của họ cũng bị Bộ Tài chính săm soi và là dư luận nhòm ngó.
CEO của AIG, ông Edward Liddy trong vòng vây phản đối tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm thứ Năm tuần trước. Ảnh: Xinhua |
Phiên điều trần của AIG trước Quốc hội bị bao vây bởi dân chúng giận dữ. Họ lên tiếng: “Hàng triệu người Mỹ đã bị mất việc làm và nhiều người trong số đó là nạn nhân của cách điều hành kém cỏi. Thế mà giờ đây lãnh đạo các công ty này lại tự thưởng cho mình, thậm chí còn rất hậu hĩnh".
Trong khi dư luận đang hướng mũi phê phán vào giới lãnh đạo AIG, các nhà làm luật lại chuyển sang công kích Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Fed và Bộ Tài chính, với lý do hai cơ quan này đã thiếu sự giám sát chặt chẽ.
Nghị sĩ bang Caliornia, ông Darrell Issa kêu gọi Bộ trưởng tài chính Geithner từ chức. Ông nói: “Là một trong những kiến trúc sư chính của gói cứu trợ dành cho AIG, Bộ trưởng Geithner đáng lẽ phải có trách nhiệm của một người cho vay. Thế nhưng ông lại không biết khoản tiền đó được sử dụng cho mục đích gì. Đây là thái độ vô cũng cẩu thả. Cũng có thể Geithner biết nhưng không báo cáo sự việc với tổng thống. Do đó, kết cục cuối cùng mà nước Mỹ phải gánh chịu là sự lãng phí tiền bạc của người dân. Ông Geithner nên nhận trách nhiệm về việc này và từ chức”.
Hôm thứ Năm vừa rồi, trong phiên điều trần trước Quốc hội, CEO của AIG Edward Liddy khẳng định Chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke đã nắm thông thông tin vụ tiền thưởng từ 3 tháng trước, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner đã biết cách đó khoảng 2 tuần. Liddy lên nắm quyền tại AIG từ tháng 9 năm ngoái cho biết ông nghe thông tin về khoản tiền thưởng từ tháng 10.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng bảo vệ Geithner, cho rằng Bộ trưởng Tài chính đang có những bước đi đúng đắn để giải quyết vụ việc. Ngoài ra tổng thống cũng bảo vệ Liddy khỏi mũi dùi dư luận. Theo tổng thống, Liddy lên nắm quyền khi quyết định tặng thưởng đã được phê duyệt.
Hôm thứ Hai tuần trước, tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ cố gắng làm mọi cách để ngăn chặn những khoản tiền thưởng mà ông gọi là sự lăng mạ. Ông nhận xét vụ bê bối tiền thưởng xảy ra đúng lúc nước Mỹ đang vật lộn với suy thoái kinh tế. “Vụ việc này đã vi phạm những giá trị đạo đức của người Mỹ”, Obama nói.
Gói cứu trợ 170 tỷ mà chính phủ Mỹ dành cho AIG là không thể tránh khỏi vì nếu để mặc tập đoàn này phá sản, hậu quả sau đó sẽ không khác gì Cơn Đại Suy Thoái những năm 1930. Geithner nói: "AIG sụp đổ sẽ gây ra thảm họa vô cùng lớn cho kinh tế thế giới”.
Trong một bức thư gửi đến Quốc hội, Geither không những đề nghị buộc AIG phải trả lại khoản tiền thưởng, mà còn khấu trừ số tiền tương tự trong gói hỗ trợ trị giá 30 tỷ USD dành cho AIG như là hình phạt dành cho tập đoàn này.
Từ năm ngoái, AIG đã là mục tiêu công kích của dân chúng khi đại gia này đã thể hiện phong cách nhà giàu ngay cả khi trong túi chỉ toàn tiền chính phủ cho vay. Hồi tháng 10, AIG dính vào scandal "resort" khi các quan chức lãnh đạo kéo nhau đến các khu spa resort xa xỉ bậc nhất để tổ chức hội nghị. Hóa đơn cho những lần hội họp kiêm nghỉ ngơi như thế này ngốn của AIG nhiều trăm nghìn USD, mà đúng ra đó đều là tiền dân chúng đóng thuế mà có.
Thời gian gần đây AIG liên tục làm ăn thua lỗ. Quý 3/2008 con số thua lỗ của AIG là 24,5 tỷ USD. Sang quý 4, thua lỗ đạt kỷ lục hơn 60 tỷ USD.
Thanh Bình tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét