Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Sáu

Xử phúc thẩm vụ gây rối ở phố Nguyễn Lương Bằng

Khởi tố vụ gây rối tại phố Nguyễn Lương Bằng

Theo công an quận Đống Đa (Hà Nội), sau khi phá hủy một đoạn tường dài 6m, hàng trăm người đã tràn vào khu đất do Công ty cổ phần may Chiến Thắng quản lý chặt phá cây, san lấp mặt bằng, dựng lều bạt.

Ngày 27/8, Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng" diễn ra tại Công ty cổ phần may Chiến Thắng (178 Nguyễn Lương Bằng).

Chiều 27/8, nhiều người dân vẫn còn tập trung đông tại công ty cổ phần may Chiến Thắng. Ảnh: Hà Nội mới.

Theo cơ quan điều tra, trưa 15/8, sau khi phá hủy một đoạn tường dài 6m, hàng trăm người đã tràn vào khu đất do Công ty cổ phần may Chiến Thắng quản lý. Những người này chặt phá cây, san lấp mặt bằng, dựng lều bạt và gây mất trật tự tại đây.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, trưng cầu hội đồng định giá tài sản bị thiệt hại.

Tuấn Anh

Không có án giam cho bị cáo gây rối phố Nguyễn Lương Bằng

Chiều 8/12, TAND quận Đống Đa, Hà Nội tuyên 8 người tham gia phá tường rào công ty may Chiến Thắng, đánh cồng chiêng... tại 178 Nguyễn Lương Bằng, là phạm tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản.

8 người bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Thị Nhi, Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng và Thái Thanh Hải. Trong số này, bà Nhi và bà Dung bị tạm giam; 6 người còn lại tại ngoại. Tại phiên xử hôm nay, bà Việt, bà Dung có luật sư bào chữa.

Cơ quan chức năng của quận Đống Đa cho rằng, khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng thuộc nhà nước quản lý và giao Công ty Cổ phần May Chiến Thắng sử dụng. Ngày 15/8, các ông bà Dung, Việt, Kiện, Hợi, Năng, Hùng và Hải đã có hành vi đập phá 6m tường rào, chặt cây, cắt dây thép gai, san lấp mặt bằng... tạo điều kiện cho các giáo dân khác tập trung cả ngày lẫn đêm cầu nguyện... nhằm gây áp lực với chính quyền để đòi đất cho giáo xứ Thái Hà.

Theo cáo trạng, trong ngày 26-28/8, bà Nhi đã rủ 6 phụ nữ khác đánh cồng chiêng cổ động cho các giáo dân cầu nguyện tại khu đất trên. Trước đó, trưa 25/1, bà Nhi đã trèo vào tường rào của Trung tâm Văn hóa - UBND quận Hoàn Kiếm ở 42 Nhà Chung và có hành động phá phách, thách thức chính quyền... tham gia cầu nguyện nhằm gây áp lực với chính quyền để đòi đất cho Giáo hội Hà Nội.

Trước tòa, các bị cáo thừa nhận có hành vi đập phá tường, cùng nhiều người tập trung cầu nguyện nhưng khẳng định họ không gây ồn ào, không gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản.

Song tòa cho rằng, hành vi phá tường rào đi lại trong khu vực sản xuất của Công ty may Chiến Thắng, dùng loa, đánh cồng chiêng... đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực ngõ 178 Nguyễn Lương Bằng nên VKS truy tố về các tội danh trên là có cơ sở.

Tòa xác định, các bị cáo đã bị tác động bởi những thông tin không chính xác từ các cơ sở tôn giáo, bị lôi kéo để phục vụ mục đích của một số người nên cân nhắc trước khi lượng hình, áp dụng mức phạt thấp nhất trong đề nghị của VKS. Tòa tuyên phạt bị cáo Nhi 15 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Dung 13 tháng tù treo. Hai phụ nữ bị tạm giam này được trả tự do ngay nếu không phạm các tội danh khác.

Mức tù treo còn được áp dụng với ông Kiện với hình phạt 13 tháng, bà Việt 12 tháng. Các ông bà Hợi, Năng và Hùng bị phạt cải tạo không giam giữ từ 12 đến 15 tháng. Riêng Hải được xác định có hành vi ít nghiêm trọng nhất nên bị tuyên phạt cảnh cáo.

Trong phiên xử, đại diện VKS cho biết, ngày 22/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản cảnh cáo một số giáo sĩ nhà thờ Thái Hà do đã "không hiểu và cố tình không hiểu pháp luật, bất hợp tác, không coi trọng chính quyền... kêu gọi giáo sĩ, giáo dân hoạt động tôn giáo ngoài nơi thờ tự, gây áp lực với chính quyền để đòi lại đất...". Vì lẽ đó, các cơ quan pháp luật không đề cập xử lý các linh mục của giáo xứ Thái Hà trong vụ án này.

H.K

Ngày mai, TAND Hà Nội sẽ xử phúc thẩm vụ án gây rối trật tự công cộng tại 178 Nguyễn Lương Bằng theo đơn kháng cáo của cả 8 bị cáo.
Dự kiến, phiên xử do ông Nguyễn Quốc Hội (Phó chánh tòa hình sự TAND Hà Nội) làm chủ tọa. Tham gia Hội đồng xét xử (HĐXX) còn có hai thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân.

Phá tường rào Công ty may Chiến Thắng. Ảnh: Hà Nội Mới.

9 ngày sau khi khép lại phiên sơ thẩm do TAND quận Đống Đa tiến hành, ngày 17/12/2008, 8 bị cáo đồng loạt gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án, dù Hội đồng xét xử cho rằng đã áp dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước, không phạt tù giam với 8 người này.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải đã tụ tập cùng nhiều người khác, tập trung cầu nguyện không đúng nơi thờ tự, nhằm gây áp lực với chính quyền đòi đất cho Giáo xứ Thái Hà. Các bị cáo còn cùng hàng nghìn người, tràn vào khu đất của Công ty cổ phần may Chiến Thắng (tại 178 Nguyễn Lương Bằng), dùng loa phóng thanh để cầu kinh, đánh cồng chiêng đi lại trong khu vực sản xuất của doanh nghiệp. Việc này kéo dài liên tục trong nhiều này đã gây mất trật tự trị an xã hội, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước...

VKSND quận Đống Đa cho biết, ông Kiện thừa nhận, sáng 15/8/2008 ông đến nhà thờ dự lễ. Khoảng 11h cùng ngày, linh mục chủ trì buổi lễ nói với các giáo dân đi ra khu đất của nhà thờ đang đòi lại Công ty may Chiến thắng để đọc kinh cầu nguyện đòi đất. Sau đó, cả đoàn giáo dân khoảng 1.000 người đi từ cổng phụ nhà thờ hướng ra khu đất. Họ vừa đi vừa hát thánh ca qua loa phóng thanh cầm tay.

Ông Kiện khai, khi đang hát thấy mọi người phá tường rào ông đã nhặt gạch, dùng thanh gỗ để tham gia phá... Ông còn dùng kìm cắt dây thép gai phía trên bờ tường rào, dùng cuốc chặt cây, phát quang cây cỏ, kê lọ hoa trang trí lên khu vực bể nước để tạo điều kiện cho giáo dân vào cầu nguyện.

Theo VKS, bà Dung khai nhận là một giáo dân thuộc Giáo xứ Thái Hà. Qua các bản tin ở trong nhà thờ, bà nghĩ khu đất Công ty may Chiến thắng đang quản lý, sử dụng là của Giáo xứ Thái Hà. Khoảng một tuần trước thời điểm 15/8/2008, mỗi lần hành lễ ở nhà thờ xong, bà Dung cùng các giáo dân đi theo linh mục ra khu vực phía ngoài tường rào của công ty để cầu nguyện, mục đích để đòi lại đất.

Riêng bà Nguyễn Thị Nhi, từ trưa ngày 26/8/208 đến 28/8/2008 đã cùng 6 phụ nữ dân tộc Mường nhiều lần đi vòng quanh trong khu đất của Công ty may Chiến thắng và đánh cồng chiêng. Đoàn của họ đi trước, phía sau là các giáo dân theo đọc kinh cầu nguyện... Ngoài hành vi nêu trên, ngày 25/1/2008, bà Nhi đã xâm phạm khu vực làm việc của cơ quan nhà nước tại số 42 Nhà Chung. Tại đây, bà đã hò hét, đập phá biển hiệu, pano và cùng với rất đông người tập trung cầu nguyện.

Tại bản án ngày 8/12/2008, TAND quận Đống Đa tuyên phạt bà Nhi 15 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng. 7 người còn lại bị kết tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản (Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải). Trong số này ngoài Thái Thanh Hải bị phạt cảnh cáo; 6 người khác từ 12 đến 15 tháng tù, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.

Án sơ thẩm cho rằng, bà Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Việt, Lê Quang Kiện đã bị kích động lôi kéo bởi thông tin không chính xác phục vụ cho ý đồ đòi đất trái pháp luật nên đã phạm tội.

Trong phiên xử, đại diện VKS cho biết, ngày 22/9/2008, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản cảnh cáo một số giáo sĩ nhà thờ Thái Hà do đã "không hiểu và cố tình không hiểu pháp luật, bất hợp tác, không coi trọng chính quyền... kêu gọi giáo sĩ, giáo dân hoạt động tôn giáo ngoài nơi thờ tự, gây áp lực với chính quyền để đòi lại đất...". Vì lẽ đó, các cơ quan pháp luật không đề cập xử lý các linh mục của giáo xứ Thái Hà trong vụ án này.

Hoàng Khuê

Hà Nội xây công viên tại 178 Nguyễn Lương Bằng

Chiều 22/9, UBND thành phố Hà Nội họp báo thông báo thu hồi diện tích đất tại 178 Nguyễn Lương Bằng của Công ty cổ phần may Chiến Thắng để xây dựng công viên cây xanh.
UBND Hà Nội cho biết, khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng có diện tích 60.000m2, trong đó có khu nhà, đất do Công ty cổ phần may Chiến Thắng đang sử dụng.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, thời gian qua, Công ty may Chiến Thắng đã khai thác, sử dụng không hiệu quả, để hoang hóa khu đất trên. Thành phố quyết định giao diện tích đất mà công ty đang quản lý cho UBND quận Đống Đa lập dự án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng công viên cây xanh. Sở Quy hoạch kiến trúc được giao nhiệm vụ phê duyệt quy hoạch kiến trúc của dự án.

"UBND quận Đống Đa sẽ công bố công khai quy hoạch với nhân dân trong khu vực. Công trình sẽ được khởi công trong thời gian sớm nhất", ông Khanh nói.

Đây cũng là khu vực mà giáo xứ Thái Hà lên tiếng đòi quyền sở hữu. Tuy nhiên, UBND Hà Nội đưa ra các bằng chứng bác bỏ yêu cầu trên và cho rằng, linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký bàn giao khu đất này cho Nhà nước quản lý vào tháng 10/1961.

Trong một diễn biến khác, mới đây công an quận Đống Đa đã khởi tố 8 người để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng tại khu vực này.

Xuân Tùng


Bác kháng cáo trong vụ gây rối ở phố Nguyễn Lương Bằng

Chiều 27/3, TAND Hà Nội cho rằng, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo kêu oan của 8 người liên quan vụ gây rối trật tự, hủy hoại tài sản ở 178 phố Nguyễn Lương Bằng. Tòa tuyên y án sơ thẩm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, phiên sơ thẩm đã xét xử đúng người đúng tội và có căn cứ. Đại diện VKSND Hà Nội duy trì công tố tại phiên tòa hôm nay cũng khẳng định "các kháng cáo kêu oan là không có cơ sở để xem xét".

Bản án phúc thẩm nhận định, đầu năm 2008, tại khu đất của Công ty Cổ phần may Chiến Thắng ở 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội có nhiều người tụ tập, thực hiện nhiều hành vi phá đổ tường rào, dựng lều bạt, cầu nguyện bên ngoài tường rào... nhằm đòi lại đất cho nhà thờ Thái Hà. Trong khi đó, những khiếu nại, đề nghị trả lại diện tích đất đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhiều lần kiểm tra, kết luận, trả lời các linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà rằng, việc đòi đất là không có cơ sở để giải quyết. Diện tích đất Công ty may Chiến Thắng đang sử dụng là hoàn toàn hợp pháp và đúng quy định pháp luật.

Ngày 15/8/2008, ngày lễ của người công giáo, Giáo xứ Thái Hà đã tổ chức hành lễ trong khuôn viên nhà thờ. Trưa cùng ngày, linh mục chủ lễ nói với các giáo dân đi ra khu đất Công ty may Chiến Thắng đang sử dụng để cầu nguyện đòi đất.

Theo án phúc thẩm, ít phút sau, một số người đứng bên cạnh tường rào, trong đó có bị cáo Ngô Thị Dung, Lê Quang Kiện, Lê Thị Hợi, Nguyễn Thị Việt, Phạm Chí Năng, Nguyễn Đắc Hùng, Thái Thanh Hải đã dùng cuốc, đá xẻ, ván gỗ đập phá đẩy đổ một đoạn tường rào, dùng kìm cắt dây thép gai bảo vệ phía trên bức tường, quật gẫy cành cây, san lấp lối đi cùng với rất đông người tràn vào trong khuôn viên đất của công ty...

Phiên tòa phúc thẩm 27/3. Ảnh: P.V.

VKSND Hà Nội cho rằng, hành vi nêu trên của 7 bị cáo đã phạm vào tội" hủy hoại tài sản" và "gây rối trật tự công cộng".

Bị cáo thứ 8 của vụ án là bà Nguyễn Thi Nhi, từ ngày 26/8/2008 đến 28/8/2008 đã cùng 6 phụ nữ trong trang phục dân tộc Mường đến khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng đánh cồng chiêng đi cùng với nhiều người vòng quanh phía trong khu đất đồng thanh hát thánh ca, tiếp tục gây áp lực với chính quyền đòi đất cho nhà thờ Thái Hà. Cũng vì mục đích đòi đất cho Giáo hội Hà Nội, ngày 25/1/2008, bà Nhi đã trèo qua tường rào của cơ quan nhà nước ở số 42 Nhà Chung, giằng co với lực lượng bảo vệ, đập vỡ biển hiệu...

Cơ quan tố tụng cho rằng, hành vi này của bà Nhi làm náo loạn tại khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, nên bà bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng.

Hôm nay tại phiên phúc thẩm, các bị cáo đều khai đã nhiều lần tập trung cầu nguyện lại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng. Họ không thừa nhận việc làm trên đã gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đời sống của những những hộ dân xung quanh khiến trẻ em không học được bài, người già không được nghỉ ngơi...

Đại diện VKS Hà Nội phân tích, việc các bị cáo cùng nhiều người khác, tập trung cầu nguyện không đúng nơi thờ tự là trái với quy định của Pháp lệnh về tôn giáo tín ngưỡng. Hành vi này đã gây mất trật tự trị an xã hội, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất của Công ty may Chiến Thắng.

Do không xuất hiện tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ hình phạt, TAND Hà Nội tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Nhi 15 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng. Với nhóm tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản, HĐXX phạt bị cáo Ngô Thị Dung, Lê Quang Kiện mỗi người 13 tháng tù treo; Nguyễn Thị Việt 12 tháng tù treo; án cải tạo không giam giữ được áp dụng với Lê Thị Hợi (15 tháng), Phạm Chí Năng (12 tháng), Nguyễn Đắc Hùng (12 tháng). Riêng Thái Thanh Hải chịu hình phạt cảnh cáo do hành vi được xác định ít nghiêm trọng nhất trong vụ án.

H.K.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới