Triệu Văn Chí mặc áo kẻ trắng - xanh |
Vốn không tin vào những chuyện tựa như; duyên số; cơ may hay là ma mị... ở đời. Nhưng lần này, chính tôi cũng hoang mang và thấy căm ghét cái vẻ ngoài thực tế, đôi khi lạnh lùng của mình.
Bản Nà Cọ, nơi tôi tìm những người đàn ông "trở về từ địa ngục trần gian", những ngày giáp trung thu, rất đỗi bình lặng. Cánh cổng trụ sở UBND xã khép hờ, tịnh không có nổi 1 chiếc xe, cho thấy dấu hiệu còn ai đó làm việc vào ngày thứ 7.
Gã xe ôm chở tôi vào bản với giá 250 ngàn, tỏ vẻ ngạc nhiên. Thoạt đầu, hắn tưởng tôi là dân phượt, lang thang đến những bản người Tày nằm lúp xúp trong rừng cọ xanh mượt để ngắm cảnh, chụp ảnh...
Thấy tôi "sục" vào trụ sở UBND xã tìm cán bộ địa phương... gã bảo: "Tìm làm gì cho phí công, trụ sở ở đây có bỏ cửa không ra đấy thì cũng chẳng ma nào thèm ròm ngó. Tốt nhất là lên xe tôi chở đi hỏi thăm xem nhà lãnh đạo xã ở đâu?"
Tôi theo lời gã, lên xe đi lòng vòng trên con đuờng bé tẹo, lầy lội bởi những đoạn suối vắt ngang... Tới nhà ông Trưởng Công an xã, thì sự việc không như mong đợi.
Biết tôi chất vấn về trách nhiệm của địa phương, về sự mất tích của 18 người đàn ông Nà Cọ. Vị "quan xã" lắc đầu nguầy nguậy. Ông từ chối đưa tôi đi gặp những nạn nhân vừa trở về...
Gã xe ôm mặc cả: "Vì đường đến nhà dân chủ yếu phải đi bộ, thôi thì tôi cư ngồi quán đợi chị, chị đi làm xong rồi ra đây tôi chở về thị xã Hà Giang".
Trước khi đi làm, tôi tạt vào cửa hàng tạp hoá duy nhất ở Trung tâm xã Kim Thạch, định mua nước uống. Cửa hàng ấy có bày bán cả thịt lợn, chỉ còn mấy thứ lèo bèo.
Gần trưa, trời nắng gắt. Tôi thấy xung quanh phản thịt rất đông người đứng xem phản thịt. Một sự thắc mắc vụt thoáng qua óc tôi như luồng điện: "Họ xem gì trên cái phản thịt ấy nhỉ? Không nhẽ cả đời họ chưa bao giờ được nhìn thấy lòng, phèo và mỡ lợn?"
Tôi ngồi vào ghế gọt Lê ăn, chủ nhà không có nước uống để bán. Quá nể sự nhiệt tình mời mọc của họ, tôi đã phải mua nốt rổ lê với giá rất bèo. Chồng bà chủ quán ngửa cổ, phả khói thuốc lào lên trời với vẻ sảng khoái.
Anh ta hỏi tôi: “Nhìn là biết người lạ từ nơi khác đến”.
- Vâng!
"Anh có biết bản này, có những ai bị lừa bán sang Trung Quốc hồi đầu năm không?"
Bà chủ quán, đang đứng ngoài phản thịt nghe thấy câu hỏi của tôi, lập tức chạy vào vồn vã bảo:
“Kia kìa, nhà chị kia đấy, nghèo lắm, hết gạo ăn mấy tháng nay rồi, thỉnh thoảng qua đây, nhìn phản thịt một cách thèm thuồng rồi lại đi…
“Rõ khổ, cơm còn chẳng có mà ăn, tiền đâu mà mua thịt?” - Giọng bà chủ chứa đầy nỗi chua cay! Tôi vội chạy ra cầm tay người đàn bà gầy gò đứng trước phản thịt dắt vào nhà.
Sau câu nói chưa rõ thực hư, nhưng đắng chát của bà chủ quán, tôi thấy mình có lỗi. Thì ra không phải chị đứng đó để xem phản thịt, mà chị đứng đó để xua đi sự thèm thuồng thứ Protein, vốn đã quá thừa thãi đối với những kẻ quen ăn uống phè phỡn như tôi ở thủ đô…
Chị tên Lục Thị Xuân, 35 tuổi, có đôi mắt buồn thăm thẳm. Chồng, con chị Xuân bị Lý Văn Ngân lừa bán hồi đầu năm 2008. Cháu Chí vừa may mắn trốn thoát cùng với 3 thanh niên khác…
Tôi không dám tin vào tai mình, song những giọt lệ lăn nhanh trên gò má chị Xuân, làm tim tôi nhói đau. Có những giai đoạn, gia đình chị Xuân cầm cự qua những cơn đói triền miên, bằng quả dưa chuột trồng được ngoài vườn nhà.
Hàng năm, nhà nước cứu đói 1 lần cho dân nghèo, vào dịp giáp tết. Mỗi nhân khẩu được 10kg gạo, nhà chị Xuân có tất thảy 4 người...
Bản Nà Cọ có nhiều nhà nghèo như gia đình chị Xuân. Trớ trêu thay, nạn nhân là những gã đàn ông làm lao động chính trong gia đình. Thu nhập chính của họ là những đồng tiền làm thuê, mướn ngoài thị xã… chứ không có ruộng nương để tăng gia sản xuất.
Chị Xuân bảo:”Con tôi nó về kể với mẹ rằng. Lúc chạy trốn, con chỉ có 1 suy nghĩ duy nhất là phải về đến nhà thì mới có cơ hội để cứu bố. Con cứ đi theo hướng mặt trời mọc, đi mãi, đi mãi… đói thì ăn củ Sâm của người Trung Quốc, khát thì uống nước ao hồ… Đêm đến, bọn con cuộn trong những tán cây rừng mà ngủ… bị Công an bắt nhốt vào tù, con mới thực sự được ăn những bữa cơm ngon lành trong suốt nửa năm qua”.
Hôm thằng Chí về đến Mèo Vạc, nhà chẳng có đồng nào, chị Xuân phải chạy vạy khắp làng, vay được 600 ngàn đồng để đưa cho người cùng bản đi đón nó về. Loay hoay mãi chị Xuân cũng không biết, khoản tiền này làm thế nào để trả được bây giờ?
Tôi đề nghị được gặp Chí, chị Xuân tần ngần nói:”Không được đâu, nó không gặp ai đâu…”.
Gạn hỏi mãi, tôi được biết lí do mà Chí không muốn gặp ai, là do em chẳng có nổi 1 mảnh áo che thân. Từ hôm về 8/9/08, đến nay, Chí ở lì trong nhà, hoặc trên lán nương chứ nhất định không ra ngoài đường. Nó xấu hổ vì đã sắp là thanh niên rồi, cởi trần ra ngoài sao được chứ?
Tôi lục tung đống quần áo của chủ cửa hàng tạp hoá, kiếm được 1 bộ quần áo khá khẩm nhất, giá 100 ngàn đồng/bộ.
Tôi hỏi: “Liệu Chí có mặc vừa bộ này không chị?”
Chị Xuân ríu rít: “ Vừa đấy, vừa lắm đấy!”
“Chị cầm bộ quần áo mang ra lán nuơng cho Chí mặc, bảo cháu về nhà gặp em nhé”!
Tôi thấy chị Xuân ngây người ra, chẳng nói chẳng rằng, nhưng ảnh mắt chứa đựng sự cảm động. Tôi bảo bà chủ cửa hàng tạp hoá cân nốt những gì còn lại trên phản thịt, chủ yếu là mỡ, 1 cái mũi và lòng… được 1 bịch khá to để chị Xuân mang về.
Gã xe ôm ngồi trong sân nói vọng ra: “Sướng nhá!”
Tôi thấy ngại, và tiếc. Giá mà cửa hàng còn những thứ ngon lành hơn như thế? Giá mà tôi có thể làm điều gì đó để chị Xuân không phải đói ăn và thèm thuồng thịt đến vậy? Nhưng tôi dường như chẳng thể làm được gì nhiều, ngoài những hành động than vãn, khóc mướn, thương vay….
Về những thông tin liên quan đến loạt bài “hàng chục đàn ông Nà Cọ - Hà Giang rơi vào địa ngục trần gian”, tôi không bàn đến trong entry này.
Điều tôi muốn làm là sẽ mua cho Triệu Văn Chí - con trai của chị Xuân một chiếc xe đạp. Chí ra đi và vô tình sa vào "bẫy người", chỉ vì em muốn kiếm tiền để mua 1 chiếc xe đi học cấp 3. Tôi hy vọng ở em nhiều điều, bởi em là một cậu bé hiền lành, hiếu học…
Tôi hứa với chính tôi, sẽ có 1 ngày gần đây, tôi mang theo món quà ấy cho em - Một lời hứa danh dự đấy Chí ạ!.
Hãy tin tôi, em nhé!
Bạn nào có thừa quần áo, sách vở độ tuổi 14 - 16 tuổi, thì hãy chia sẻ với tôi nhé! Nhà em ấy chẳng có gì đáng tiền... chỉ có sự nghèo vây khốn!
Dọc đường trở về thị xã Hà Giang, không khí đón tết trung thu nhộn nhịp ở những trường Tiểu học cơ sở. Trẻ con thị xã váy áo sặc sỡ, cầm đèn ông sao chuẩn bị chơi trăng... khác hẳn với những em nghèo vùng dân tộc thiểu số...
Cả gã xe ôm đưa tôi đi hồi sáng cũng khác.
Thấy tôi bỏ tiền ra mua áo quần cho Chí, hắn tưởng tôi là "đại gia", nên vòi vĩnh thêm 100 ngàn. Tôi bảo: "Anh tưởng tôi kiếm tiền dễ như nhặt lá đa hay sao? Có khi tiền nhuận bút mà tôi nhận được từ chuyến này, cũng vừa bằng số tiền mà tôi phải trả cho anh đấy. Có lương tâm một tí chứ anh!"
Theo Blog Tờrang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét