Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Suy thoái kinh tế Mỹ


Cuối tuần qua, Rick Wagoner, Tổng Giám đốc điều hành của hãng General Motors (GM), đã thốt ra những từ không thể tin nổi: “nguy cơ phá sản”

Và hôm thứ hai, 10-11, GM thông báo cắt giảm đến 5.500 việc làm, thay vì 3.600 như dự tính. Cổ phiếu của hãng đã giảm 22,9% giá trị, xuống mức thấp nhất kể từ 60 năm qua.

Theo Deutsche Bank, GM có thể sẽ thiếu tiền mặt ngay từ đầu năm 2009. Ngân hàng này đã hạ mức giá mục tiêu cổ phiếu của GM xuống còn bằng... không vì cho rằng kế hoạch cứu trợ của chính phủ dành cho ngành xe hơi sẽ chẳng giúp được gì cho các cổ đông của GM. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu xe hơi Ann Arbor (bang Michigan), nếu GM hoặc Ford, một “ông lớn” khác của ngành xe hơi, phá sản thì 2,5 triệu người Mỹ có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành này sẽ mất việc.

Hiện Đảng Dân chủ đã thúc giục chính quyền Bush nhanh chóng cung cấp khoản vay ưu đãi 25 tỉ USD (19,5 tỉ euro) dành cho ngành xe hơi. Chính phủ đã chấp thuận khoản cho vay này, nhưng việc giải ngân đang gặp khó khăn về mặt pháp lý (bởi các khoản vay chỉ dành cho các doanh nghiệp “có khả năng đứng vững một cách chắc chắn”). Đảng Dân chủ cho rằng “kế hoạch cứu trợ” dành cho ngành xe hơi là cấp thiết. Theo đảng này, chính phủ có thể cấp vốn trực tiếp cho doanh nghiệp - tức mua lại cổ phần hoặc giúp doanh nghiệp thông qua các khoản tín dụng mới. Một cựu lãnh đạo của Công ty Dow Jones nhận xét: “Cách duy nhất để giúp GM thoát khỏi khó khăn là chính phủ bơm tiền vào GM. Nhưng việc đặt GM dưới sự kiểm soát của Nhà nước hoặc của một ủy ban giám sát độc lập cũng rất quan trọng”. Bộ Tài chính Mỹ hiện vẫn chưa dứt khoát trong chuyện này vì sợ tiền cứu trợ có thể bị “bốc hơi”.

Sau công nghiệp xe hơi, một lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn chồng chất và có thể sẽ phải được hỗ trợ sớm là hàng không. Phần lớn các công ty hàng không Mỹ đang đứng bên bờ vực thẳm. Và cùng với tình trạng tiêu dùng đang lao dốc, các công ty dịch vụ đã bắt đầu lao đao.

Hồi đầu tuần, tập đoàn bán lẻ sản phẩm tin học và điện tử gia dụng lớn thứ hai nước Mỹ, Circuit City, cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tập đoàn hiện có 43.000 nhân công, gồm các nhân viên của công ty và nhân viên tại 700 cửa hàng ủy thác. Cùng ngày, Công ty dịch vụ chuyển phát nhanh DHL (được hãng Đức Deutsche Post mua lại), thông báo sẽ ngừng các hoạt động kinh doanh tại Mỹ từ cuối tháng giêng năm 2009. Sẽ có thêm 9.500 người Mỹ mất việc, sau khi công ty này đã cắt giảm 5.400 việc làm ở Mỹ vào tháng trước.

Mối đe dọa thất nghiệp, như vậy, đã từ tài chính lan sang ngành xe hơi, hàng không và cả bất động sản. Bảo đảm việc làm đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các tác nhân trong nền kinh tế Mỹ. Có việc làm đang trở nên rất quan trọng để có thể giữ tiêu dùng của người dân ở mức đủ để cho nền kinh tế có thể đứng vững. Theo Dean Baker, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (CEPR), một tổ chức nghiên cứu thuộc Đảng Dân chủ, tỉ lệ thất nghiệp (hiện là 6,5%) sẽ tăng lên mức 7% từ đầu năm 2009. Baker nói: “Đầu tư tư nhân giảm. Đầu tư công của các bang ở Mỹ cũng vậy. Chỉ một kế hoạch can thiệp của nhà nước với quy mô lớn” mới có thể giúp ngăn chặn được nguy cơ suy thoái. Một kế hoạch như vậy, bên cạnh kế hoạch cứu trợ các ngân hàng trị giá 700 tỉ USD đã được thông qua, có thể chiếm thêm “2% đến 3% GDP” nữa của Mỹ, tức 300 tỉ đến 450 tỉ USD.

Nhưng kế hoạch mới này, nếu có, cũng chỉ có thể giảm mức gia tăng tỉ lệ thất nghiệp. Nhưng “nếu không có nó, tỉ lệ thất nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 10%”. Rõ ràng nước Mỹ đang rơi vào suy thoái kinh tế.

Ngọc Trung (Theo Le Monde)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới