Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Năm

Nguyên nhân nào khiến tỉ phú Đức Adolf Merckle tự sát?




Khoảng 17h ngày 5/1/2009, Adolf Merckle lặng lẽ mặc áo khoác, bảo với vợ: “Anh phải đến văn phòng có chút việc”, nhưng thật ra ông tìm đến đường ray gần biệt thự gia đình ở thị trấn Blaubeuren, bang Baden-Wurttemberg miền Nam nước Đức, để tự sát.
Năm 2008, Adolf Merckle được tạp chí Forbes xếp hạng 94 trong số 100 nhân vật giàu nhất hành tinh và giàu thứ 5 của nước Đức, với tài sản cá nhân được đánh giá lên đến 7 tỉ euro (9,2 tỉ USD). Đối với những nhà quan sát bình thường thì tỉ phú Adolf Merckle 74 tuổi này tự sát do ông không thể đương đầu với sự phá sản. Nhưng thật ra sự giàu sang chẳng có nghĩa gì đối với Merckle, và tiền bạc đơn giản chỉ là bằng chứng tất yếu cho sự thành đạt cá nhân mà thôi bởi nó chưa bao giờ là mục tiêu của đời ông. Bởi vì, Adolf Merckle sống rất giản dị.
Mặc dù là tỉ phú, song Merckle vẫn đạp chiếc xe đạp đã 15 năm tuổi đi làm trong phần lớn thời gian trong năm và mỗi khi thời tiết xấu thì ông lại sử dụng chiếc xe hơi VW Golf 4 năm tuổi. Không có vệ sĩ riêng hay người hầu, Adolf Merckle sống trong căn nhà gỗ bình thường - không trang bị camera theo dõi - trong thị trấn Blaubeuren. Mỗi đêm trên đường về nhà, Merckle thường tạt vào quán rượu bình dân địa phương để uống vài ly.
Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho người vợ và 4 đứa con đang tuổi lớn của Merckle, nhân viên điều tra không tìm thấy manh mối gì cho động cơ tự sát của ông. Mà chỉ đơn giản là: “Tôi xin lỗi”. Bạn bè và gia đình của nhà tỉ phú cho rằng điều quan trọng nhất dẫn đến việc tự sát của ông đó là sự mất kiểm soát hệ thống công ty của mình. Nhưng Merckle vẫn còn nhiều sự lựa chọn và đang trong tình thế có nhiều khả năng để thoát khỏi tình trạng suy thoái. Vậy thì còn có sự việc nào khác khiến Merckle không thể đối mặt?
Merckle đã dành trọn đời mình để xây dựng doanh nghiệp gia đình bắt đầu từ một công ty được ông nội của ông thành lập năm 1881. Sau khi làm luật sư vài năm, Merckle kế thừa công ty từ cha vào năm 1967 với 80 nhân viên. Trong các thập niên sau đó, Merckle tiếp tục phát triển công ty dược của gia đình trở thành một đế chế tầm cỡ thế giới bao gồm 120 công ty, sử dụng 100.000 nhân viên với doanh thu khoảng 30 tỉ euro. Merckle sau đó đã đa dạng hóa Công ty Dược Ratiopharm thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước Đức – HeidelbergCement. Ông còn xây dựng các công ty khác như là Hanson, Công ty tái sinh SRM và Minerals Resource Management tái chế nguyên vật liệu sử dụng trong công nghiệp xi măng.
Trong tháng 10/2008, công ty cổ phần mẹ của Merckle đã mất 500 triệu euro vì sự suy đoán sai của ông về cổ phiếu của VW (Volkswagen), cho rằng nó sẽ giảm. Nhưng cuối cùng cổ phiếu của VW đã tăng lên gấp đôi vì Porsche Automobil Holding tuyên bố cổ phần của công ty đã lên đến 74,1%. Tuy nhiên, tài sản cá nhân của Merckle vẫn còn hàng tỉ euro và vào ngày tự sát ông đã thương lượng với khoảng 40 ngân hàng - trong đó bao gồm: Commerzbank AG, Deutsche Bank AG, Royal Bank of Scotland Group và Landesbank Baden-Wuerttemberg – để vay tiền trả nợ cho công ty cổ phần của mình, VEM Vermogensverwaltung.
Theo tờ Finanicial Times Deutschlan, các ngân hàng đã hứa hẹn sẽ cho Merckle khoản vay bắc cầu là 400 triệu euro. Tuy nhiên, sự giải cứu tài chính này cũng có giá của nó – đó là Merckle phải đồng ý bán lại Công ty Dược phẩm Ratiopharm với 5.400 nhân viên. Mặc dù giá cổ phiếu của một số công ty của Merckle sụt giảm tồi tệ, nhưng tập đoàn bán buôn dược phẩm khổng lồ của ông vẫn còn đứng vững và ông có thể dễ dàng vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính.
Phải chăng chính sự sỉ nhục vì không giữ nổi một số công ty của gia đình đã đẩy Merckle tìm đến cái chết? Các nhà bình luận ở Đức cho rằng Merckle đánh giá nhiệm vụ trao sản nghiệp nguyên vẹn của gia đình lại cho con cháu là sứ mạng quan trọng nhất trong đời ông. Nhưng ông đã phụ lòng tổ tiên, những người đã lèo lái công ty gia đình vượt qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc đại suy thoái kinh tế trong quá khứ.
Merckle chào đời năm 1934 và trải qua tuổi thơ ở Sudetenland, dải đất tranh chấp nằm ở biên giới Tiệp Khắc - Đức bị quân đội Hitler chiếm đóng năm 1938 và là nơi doanh nghiệp gia đình được gây dựng. Thời Thế chiến II công ty bị Đức Quốc xã tịch thu để sản xuất thuốc men phục vụ cho quân đội, nhưng gia đình Merckle đã khăng khăng không chịu gia nhập đảng Quốc xã hay cho phép Adolf Merckle tham gia đoàn thanh niên Hitler. Nhờ tinh thần kháng cự quyết liệt quân Đức mà sau khi chiến tranh kết thúc quân đội Đồng minh đã trao trả công ty lại cho gia đình Merckle.
Năm 1945, gia đình Merckle rời Tiệp Khắc để đến tái lập sự nghiệp ở thị trấn Blaubeuren, miền Nam nước Đức, nằm giữa Stuttgart và Ulm. Khi nối nghiệp cha ông phát triển doanh nghiệp gia đình thành tầm cỡ thế giới, Adolf Merckle đã tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm và giúp địa phương trở nên phồn thịnh.
Những bó hoa, thiệp chia buồn và những ngọn nến được những người dân đia phương để lại trước ngôi nhà gia đình Merckle. Sabine Wildermut, nhân viên của hội đồng thị trấn, nói: “Các bạn sẽ thấy cả thị trấn để tang cho Merckle và không ai có thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra”. Elisabet Schmidt, dân địa phương, cho biết: “Không ai thấy ganh tị trước thành công của Merckle. Ông ấy là một người trong số chúng tôi, một người của cộng đồng. Nếu tình cờ có gặp Merckle thì bạn sẽ chẳng thể hình dung đó là một nhà tỉ phú của nước Đức và thế giới.
Merckle luôn sống chan hòa với cộng đồng địa phương, và không hề bộc lộ lối sống xa xỉ của dân nhà giàu. Merckle luôn bay với chiếc vé hạng rẻ nhất, còn vợ ông đi mua sắm ở khu Aldi bình dân mà người dân địa phương thường lui tới”. Trước lễ Giáng sinh, Giám đốc Tài chính Thierry de la Villehuchet - người đã đầu tư tiền bạc cho trùm lừa đảo Bernard Madoff - chết ngay trong văn phòng làm việc ở New York sau khi nốc một đống thuốc ngủ và cắt đứt cổ tay. Barry Fox, nhà phân tích tài chính của Bear Stearns, nhảy từ tầng thứ 29 của cao ốc văn phòng xuống đất trong năm 2008 vì bị mất việc. Ông chủ Ngân hàng HSBC Christen Schnor, 49 tuổi, cũng treo cổ tự tử trong một khách sạn 5 sao ở London ngày 17/12/2008. Sự thật đau buồn là chắc chắn sẽ còn nhiều cái chết nữa trong thời buổi khủng hoảng kinh tế tồi tệ này.
Nhưng với Adolf Merckle thì lại khác – mọi người không thể hiểu được tại sao một nhân vật có đầy đủ bản lĩnh và tài xoay xở như Merckle lại tự mình tìm đến cái chết?
Diên San (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới