Ảnh của tôi
Diễn đàn thanh niên cộng sản Việt nam này được xuất phát từ ý tưởng bảo vệ đường lối phát triển của lãnh đạo và nhân dân Việt nam.Bao gồm các thành viên trong mạng Internet( và mạng Chát Paltalk ).

Thứ Hai

Luôn đặt quyền con người lên trên hết


Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam suốt cả chặng đường từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến sự nghiệp đổi mới ngày nay, đường lối nhất quán là giải phóng con người, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, vì nhân quyền cao cả. Đối với Việt Nam, một dân tộc từng chịu thử thách qua lửa đạn chiến tranh và cả trong thời bình khi thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức và hành động về quyền con người, về giá trị đích thực của nhân quyền ngày càng sáng rõ và được khẳng định.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo quyền con người

Với truyền thống nhân đạo, yêu chuộng hòa bình và công lý, Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị đích thực của tự do, của nền độc lập dân tộc và quyền con người. Chính vì vậy, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam ra đời năm 1945, một năm sau đó, Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nền cộng hòa năm thứ hai được ban hành đã thiết lập và đảm bảo cho công dân thực hiện và hưởng thụ các quyền và tự do dân chủ. Các bản Hiến pháp tiếp theo, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam được phát triển và mở rộng không những về nội dung, số lượng mà cơ chế đảm bảo tính thực hiện của các quyền cũng ngày càng được hoàn thiện.

Không kể tham gia các công ước về nhân quyền hoặc liên quan đến quyền con người do các tổ chức quốc tế khác thông qua, tính đến nay Việt Nam đã ký, phê chuẩn và gia nhập 9 công ước và 2 nghị định thư bổ sung công ước trong tổng số gần 20 công ước và nghị định thư bổ sung công ước về nhân quyền do Liên hợp quốc ban hành. Những cam kết chính trị - pháp lý ở tầm quốc tế, Việt Nam đã không ngừng thể chế hóa các chuẩn mực quốc tế vào pháp luật trong nước.

Khẳng định: “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” - quy định của Hiến pháp 1992 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người. Trong các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VI, VII, VIII và IX của Đảng đều nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người và trong hoạt động lập pháp: “ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân”.

Chỉ tính từ năm 1992 đến nay, không kể các văn bản do Chính phủ và cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền ban hành, Quốc hội đã thông qua 183 văn bản luật, trong đó có khoảng 48 văn bản có liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền và tự do cơ bản của công dân. Các văn bản dưới luật được xây dựng vừa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn quản lý xã hội, quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế.

Chính những nỗ lực phấn đấu và thành quả hiện thực trên lĩnh vực bảo vệ nhân quyền ở nước ta trong suốt thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao với việc Việt Nam được bầu làm thành viên ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ (2001-2003) và hiện nay đang là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Cùng với các quyền tham gia quản lý Nhà nước của nhân dân, quyền được thông tin, tự do ngôn luận, báo chí... quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo, dựa trên quan điểm: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH”. Ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới thành lập, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”.

Từ đó đến nay, quan điểm trên của Người đã trở thành định hướng chung cho chính sách tôn giáo ở Việt Nam và được thực hiện nhất quán, được khẳng định trong Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Để đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết về công tác tôn giáo; tiếp đó, ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến cuối năm 2008, Việt Nam có trên 20 triệu tín đồ, chiếm 25% dân số cả nước với nhiều chức sắc các tôn giáo, cơ sở thờ tự và trường đào tạo chức sắc các tôn giáo...

Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, cam kết và thực thi các quy định nhân quyền quốc tế, trước hết và chủ yếu là trách nhiệm thuộc về quốc gia thành viên; đồng thời coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế, coi đó vừa là đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, vừa là cơ hội để học tập kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi pháp luật bảo đảm quyền con người, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ nhân quyền trong khu vực và trên thế giới; đồng thời chia sẻ những điểm còn có sự khác biệt trong cách hiểu và thực thi nhân quyền, qua đó làm cho nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; khẳng định những thành tựu về nhân quyền mà chúng ta đã đạt được.

Vì vậy, Việt Nam chủ trương: “Chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh chung vì quyền con người; sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền; kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam”.

Và, Việt Nam cam kết sẵn sàng đối thoại, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ngày càng tốt hơn.

Châu Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thông tin Việt nam

Diễn đàn Thanh niên Cộng sản Việt nam

Tin thế giới